Đại úy công an vẫn bị lừa
NSUT Thanh Loan vào vai "Ni cô Huyền Trang" trong phim Biệt động Sài Gòn |
Biệt động Sài Gòn là bộ phim màu dài tập đầu tiên được sản xuất tại VN. Cả nước lúc đó chỉ có một cơ sở in tráng màu nên 4 năm trời mới hoàn thành 4 tập phim. Quay được mẻ phim nào liền gửi ra Bắc in tráng, đạt chất lượng rồi mới làm tiếp. Vì vậy, suốt cả 4 năm là hành trình chờ đợi với cả niềm vui xen lẫn lo âu, khắc khoải.
Trong Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan đóng vai chiến sỹ biệt động nội thành cải trang thành ni cô Huyền Trang và chôn giấu mối tình với chiến sỹ biệt động Tư Chung. Huyền Trang không ít lần tê tái cõi lòng khi chứng kiến người yêu sống trong vỏ bọc ông chủ hãng sơn Đông Á cùng người đóng giả làm vợ cũng là chiến sỹ biệt động thành.
Hầu hết những cảnh diễn của Thanh Loan đều ở chùa, trong trang phục áo nâu sồng và đội nón nhà sư. Ngoài việc đến chùa tiếp xúc với các nhà sư, trong quá trình đóng phim, Thanh Loan luôn có mặt ở nhà chùa nên có người nhầm tưởng chị đi tu. Các nhà sư nói vui với chị, nhà sư ngoài đời mà xinh đẹp như trong phim thì mật thám sẽ không bỏ qua và Huyền Trang dễ dàng bị lộ chân tướng.
Cảnh quay ở thành phố nhưng Huyền Trang là một vai diễn không kém phần vất vả. Nhiều cảnh Huyền Trang khất thực trên đường dưới cái nắng chang chang đến bỏng rát mặt mày. Hay những lúc Huyền Trang rảo bước dưới trời mưa xối xả, chị phải chịu cái lạnh tê tái vì có 4 chiếc xe cứu hỏa phun mưa ướt sũng vào người. Các diễn viên quần chúng đứng xem, có người khóc thương cho chị.
Hồi đó, Thanh Loan có sức khỏe tốt, nhưng sau mỗi lần quay thường lăn ra ốm, nhất là sau cảnh cảnh Huyền Trang bị tra tấn vào ban đêm, nước lạnh dội mạnh từ trên đầu xuống. Không chỉ đến vai Huyền Trang, những vai trước đây của chị đều phải chịu đựng gian khổ và cực nhọc như vậy.
NSUT Thanh Loan cùng chồng và các con |
Đóng vai nhà sư, Thanh Loan tiếc nhất là phải hy sinh mái tóc dài nuôi giữ từ hồi trẻ mà chưa một lần cắt ngắn. Hồi ấy, kiểu tóc tém chưa phổ biến nhưng vì tóc chị dày quá không thể đội mũ nhà sư nên đành phải cắt ngắn. Không ngờ, kiểu tóc trẻ trung ấy được nhiều người yêu thích và có cả một “phong trào” cắt tóc tém sau khi bộ phim công chiếu.
Vai diễn để lại trong Thanh Loan nhiều kỷ niệm vui, buồn. Năm 1985, khi chị đóng phim ở Sài Gòn cũng là lúc đổi tiền. Thù lao vai diễn của chị cả 4 tập phim là 1,8 triệu đồng, thuộc hàng cao thứ ba sau vai diễn của các diễn viên thủ vai Tư Chung và Ngọc Mai. Khi đổi tiền, thù lao chỉ còn 180.000 đồng. Nhưng buồn hơn khi ngoài Hà Nội, chị dành dụm được hơn 100 ngàn đồng để trong tủ khóa kín. Ba bà cháu ở với nhau, lúc đó không có điện thoại để liên lạc. Khi chị về đến nhà thì đã hết hạn đổi tiền nên đành để mất số tiền ấy.
Một kỷ niệm nữa mà Thanh Loan chưa bao giờ kể. Ấy là khi quay phim ở Sài Gòn, vào ngày nghỉ, chị dạo chợ Vườn Chuối ở Quận 3. Bỗng có người đi cạnh khen tay chị đẹp và đòi xem chiếc nhẫn hai chỉ vàng mà chị đang đeo trên tay. Thanh Loan thật thà mở ra cho xem. Về tới nhà mới biết, nhẫn của mình đã bị đổi bằng nhẫn dỏm. Lúc ấy, chị đã được phong quân hàm Đại úy công an. Đồng nghiệp nói đùa, công an còn bị mắc lừa nữa là người thường. Có người cười vui mà rằng, trong đôi mắt đen buồn sâu thăm thẳm của Huyền Trang chắc còn có nỗi buồn mất chiếc nhẫn vàng mà khán giả xem phim đâu có biết...
Sau này, Thanh Loan nhận được một vài lời mời đóng phim video. Phim quay trong một tuần lễ, chưa kịp cảm nhận nhân vật thì phim đã xong nên chị không còn hào hứng với phim video nữa. Chị biết điều kiện làm phim truyền hình không thể đòi hỏi như phim nhựa. Nhưng chị không làm quen và hòa nhập được với tốc độ và guồng quay nhanh đến vậy. Với Thanh Loan, Huyền Trang là đỉnh cao nghề nghiệp của chị. Chị muốn dừng lại nghiệp diễn để lưu giữ hình ảnh đẹp trong lòng khán giả, giống như cầu thủ rời sân cỏ đúng lúc đang sung sức.
Hậu phương vững chắc
Năm 23 tuổi, Thanh Loan xây dựng gia đình. Anh hơn chị 10 tuổi và là nghiên cứu sinh ngành Toán-Tin ở CHLB Đức. Bà thím ruột của anh là người se duyên. Anh thâm trầm, ít nói nhưng vẻ nghiêm túc, chỉn chu và chững chạc của anh đã gây thiện cảm cho chị.
Sau một năm yêu nhau, anh chị làm lễ cưới. Là người của lực lượng vũ trang, anh tiếp tục bảo vệ luận án PTS rồi TS khoa học ở nước ngoài và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Sau này, anh chuyển về Viện Khoa học công nghệ thông tin. Về hưu, anh vẫn tiếp tục công việc giảng dạy ở ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia HN.
Trước khi gặp anh, chị đã trải qua những mối tình trong trẻo. Hai người gặp nhau trong những ngày hành quân trên những nẻo đường Trường Sơn. Vì xa cách nên chẳng đến được với nhau. Có người là chiến sỹ lái máy bay, chưa kịp hẹn ngày hạnh phúc thì đã hy sinh… Ít tuổi nhất trong các diễn viên của đoàn nhưng chị được không ít người trong nghề theo đuổi. Thật ra, Thanh Loan thích người khác nghề hơn. Làm nghệ thuật đã lênh đênh, chân chẳng đến đất, đầu chẳng đến giời, nếu lấy nhau thì khó hạnh phúc. Người khác nghề sống với nhau có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị khác.
NSƯT Thanh Loan sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
Năm 1966, chị học khoa Kịch nói của Trường Nghệ thuật Quân đội và được phân công về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.
Năm 1976, chị được điều động từ Đoàn văn công Tổng cục chính trị để làm PTV Truyền hình Quân đội.
Năm 1979, chị chuyển công tác đến Truyền hình Công an nhân dân tiếp tục làm PTV và liên tiếp có những vai diễn hay trên màn ảnh.
Chị được phong NSƯT năm 1993, phong hàm Đại tá và được giữ chức Phó giám đốc Điện ảnh công an nhân dân trước khi nghỉ chế độ hưu trí kể vào tháng 4/2008.
Hiện nay, chị sống cùng chồng và con trai tại nhà riêng ở phố Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội.
|
Nhân vật nữ của Thanh Loan trên phim làm yên lòng người ra trận thì ngoài đời, chị may mắn có hậu phương vững chắc. Là diễn viên, chị không ít khi phải hy sinh vai trò làm vợ, làm mẹ. Chị may mắn được bà nội chăm nuôi các cháu chu đáo để đi đóng phim xa nhà hàng tháng trời. Có khi, cả nửa năm, chị ở Sài Gòn. Lúc ấy, điều kiện đi lại khó khăn nên chị còn được đi nhờ máy bay quân sự để rút bớt thời gian về với các con nhỏ. Khi các cháu nghỉ hè, chị đưa mẹ chồng và các cháu cùng vào Sài Gòn. Mẹ chồng và các bà bác của chị còn tham gia vai người đi lễ chùa trong phim Biệt động Sài Gòn.
Chồng Thanh Loan sống nhiều năm ở nước ngoài nên anh rất trân trọng và yêu quý người làm nghệ thuật. Anh không khắt khe chuyện chị đi đóng phim. Chị biết tự kiểm soát mình. Khi đọc kịch bản, thấy không có nhiều cảnh đụng chạm hay không có những pha tình cảm dữ dội, chị mới nhận lời. Thanh Loan luôn xác định rõ ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống. Khi làm phim, chị giữ khoảng cách giữa anh em làm nghề với nhau. Thời đó, phim nhà nước cũng không có những cảnh nóng hay quá ướt át.
Anh ở nước ngoài đâu biết chị đóng phim ra sao. Khi khán giả nô nức đến rạp xem Biệt động Sài Gòn thì anh đang ở nước ngoài. Chị mời mẹ chồng và đưa các con đi xem. Lúc đó, các cháu còn nhỏ nên thấy mẹ bị tra tấn dã man , chúng sợ không dám xem tiếp. Sau này, phim chiếu trên tivi, anh mới xem được.
Hồi ấy, làm một bộ phim mất hàng năm trời. Được mời đóng phim là vinh dự và hạnh phúc đối với diễn viên nên chẳng ai nghĩ đến thù lao và không đòi hỏi những quyền lợi khác. Chị đi đóng phim, có tên tuổi nhưng thu nhập chẳng là bao. Anh ở nước ngoài dành dụm và tiết kiệm mua sắm đồ đạc gửi về cho vợ, lúc thì chiếc xe đạp, khi cái áo lông thú, giấy ảnh… Thời bao cấp, đó là những tài sản lớn đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình để chị yên tâm làm nghề.
Cuộc đời Thanh Loan là dòng sông êm đềm và phẳng lặng. Vai ni cô Huyền Trang đã khuấy động phần nào, nhưng rồi trả chị về với thế giới của riêng mình, với yên bình và hạnh phúc ngọt ngào bên chồng và các con… Chị ước vọng cuộc sống từ nay về sau vẫn là dòng sông mải miết chảy. Cuộc sống thoải mái và dễ chịu, niềm yêu nghệ thuật và yêu cái đẹp khiến trái tim của chị luôn tươi trẻ mãi…