18/01/2023 22:18 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Một nghiên cứu mới cho biết việc ăn một con cá nước ngọt đánh bắt ở sông hoặc hồ ở Mỹ cũng tương đương với việc uống trong một tháng loại nước bị ô nhiễm bởi các "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại.
Các hóa chất vĩnh viễn, được gọi tắt là PFAS, là một nhóm bao gồm hơn 4.500 hoạt chất không phân hủy sinh học đã được sử dụng trong một loạt các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp kể từ những năm 1940 do khả năng kháng mỡ, dầu, nước và nhiệt. Chúng hiện vẫn được sử dụng trong các mặt hàng gia dụng như chảo chống dính, hàng dệt may, bọt chữa cháy và bao bì thực phẩm.
Nhưng với đặc tính gần như không thể phá hủy của PFAS, đồng nghĩa là các chất ô nhiễm này đã tích tụ theo thời gian trong không khí, đất, hồ, sông, thực phẩm, nước uống và thậm chí cả cơ thể chúng ta.
Trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều lời kêu gọi đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với PFAS, bởi chúng được cho là có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm tổn thương gan, cholesterol cao, giảm phản ứng miễn dịch và một số loại bệnh ung thư.
Và để tìm ra ảnh hưởng từ sự ô nhiễm PFAS trong cá đánh bắt tại địa phương, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 500 mẫu từ các sông và hồ trên khắp nước Mỹ từ năm 2013 đến 2015. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường mới đây, cho thấy mức độ trung bình của PFAS trong các loại cá là 9.500 nanogam/kg.
Gần 3/4 số "hóa chất vĩnh viễn" được phát hiện là PFOS, một trong những dạng phổ biến và nguy hiểm nhất trong số hàng nghìn dạng của PFAS.
Các nhà nghiên cứu tính toán rằng chỉ cần ăn một con cá nước ngọt cũng tương đương với việc uống nước có nồng độ PFOS ở mức 48 phần nghìn tỷ trong một tháng. Để hình dung rõ hơn về con số này thì năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã hạ mức PFOS trong nước uống được cho là an toàn xuống 0,02 phần nghìn tỷ. Tức là việc ăn một con cá thậm chí còn độc hại hơn quá trình uống nước ô nhiễm trong cả tháng trời.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho biết tổng mức PFAS trong cá nước ngọt cao hơn 278 lần so với mức được tìm thấy trong cá bán thương mại.
David Andrews, một nhà khoa học cao cấp tại Nhóm Công tác Môi trường phi lợi nhuận, người đứng đầu nghiên cứu, nói rằng ông đã lớn lên bằng cách đánh bắt và ăn cá.
“Giờ tôi không thể nhìn vào một con cá mà không nghĩ đến việc nhiễm PFAS”, nhà khoa học này chia sẻ.
"Những phát hiện này đặc biệt liên quan đến tác động đối với các cộng đồng thiệt thòi, những người phải tiêu thụ cá như một nguồn cung cấp protein hoặc vì các lý do xã hội hoặc văn hóa", ông nói thêm. "Nghiên cứu này khiến tôi vô cùng tức giận vì các công ty sản xuất và sử dụng PFAS đã làm ô nhiễm toàn cầu và không phải chịu trách nhiệm gì."
Patrick Byrne, một nhà nghiên cứu ô nhiễm môi trường tại Đại học Liverpool John Moores của Vương quốc Anh dù không tham gia vào nghiên cứu, cũng cho biết PFAS "có lẽ là mối đe dọa hóa học lớn nhất mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ 21".
Ông nói: “Nghiên cứu này rất quan trọng vì nó cung cấp bằng chứng đầu tiên về sự lây lan rộng rãi của PFAS trực tiếp từ cá sang người.”
Nhà nghiên cứu Andrew đang kêu gọi đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn để chấm dứt tất cả việc sử dụng PFAS không cần thiết.
Nghiên cứu được đưa ra sau khi Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển đã đệ trình đề xuất cấm PFAS lên Cơ quan Hóa chất Châu Âu của EU. Cơ quan này sau đó cho biết trong một tuyên bố rằng đề xuất này là "một trong những đề xuất rộng nhất trong lịch sử của EU", được đưa ra sau khi 5 quốc gia nhận thấy rằng PFAS không được kiểm soát đầy đủ và cần có quy định trên toàn khối.
Tham khảo APF, CBSNews
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất