Ấn Độ đưa thành công vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo

16/08/2024 16:07 GMT+7 | Tin tức 24h

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 16/8, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đưa thành công vệ tinh quan sát Trái Đất EOS-08 và vệ tinh SR-O DEMOSAT vào quỹ đạo đã định.

Như vậy, ISRO đã thực hiện vụ phóng thứ ba và cũng là vụ phóng cuối cùng trong khuôn khổ dự án phát triển Phương tiện phóng vệ tinh nhỏ-D3 (SSLV-D3).

Phương tiện phóng SSLV-D3 mang theo vệ tinh quan sát Trái Đất EOS-08 đã được phóng từ bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota, cách thành phố Chennai khoảng 135 km về phía Đông vào lúc 9h17 sáng 16/8 (theo giờ địa phương).

Ấn Độ đưa thành công vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo - Ảnh 1.

Vệ tinh quan sát Trái Đất EOS-08 tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ ngày 12/8/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Vệ tinh EOS-08 mang ba tải trọng, gồm hệ thống hồng ngoại quang điện (EOIR), máy đo phản xạ của Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS-R) và máy đo UV SiC. Trong đó, EOIR được thiết kế để chụp ảnh ở dải IR sóng trung (MIR) và IR sóng dài (LWIR), cả ngày và đêm, cho các ứng dụng như giám sát dựa trên vệ tinh, giám sát thảm họa, giám sát môi trường, phát hiện hỏa hoạn, quan sát hoạt động núi lửa và giám sát thảm họa ở các nhà máy điện và công nghiệp. 

GNSS-R được ứng dụng trong phân tích gió bề mặt đại dương, đánh giá độ ẩm của đất, nghiên cứu tầng lạnh trên khu vực Himalaya, phát hiện lũ lụt và phát hiện vùng nước nội địa. Máy đo UV SiC đóng vai trò là cảm biến cảnh báo an toàn bức xạ gamma.

Ngọc Thúy/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm