27/12/2023 15:00 GMT+7 | Đời sống
Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn, gồm 10 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, người Cống là 1 trong 5 dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cư trú tập trung ở xã Nậm Khao với 220 hộ, trên 1.000 nhân khẩu.
Tuy có số lượng nhân khẩu ít nhưng những giá trị văn hóa, phong tục và đặc biệt là những món ăn truyền thống của người Cống vẫn luôn được giữ gìn.
Say mê các món bánh
Ẩm thực của Người Cống rất tinh tế và đa dạng với các món bánh, món nộm, cá sấy khô, thịt khô làm chua hoặc sấy khô để bảo quản. Trong đó, các món bánh của người Cống thì luôn làm say mê bất cứ thực khách khó tính nào từ hình thức đến độ ngon cộng với hương vị quyến rũ.
Đầu tiên phải kể đến món bánh ngô. Người Cống làm bánh từ ngô nếp non xay mịn, rồi trộn đều với mật ong. Sau đó lấy lá dong gói lại, đem đồ chín. Khi ăn chiếc bánh ngô ta sẽ bị chinh phục bởi có vị ngọt, dẻo và thơm quyện chặt vào nhau. Món bánh ngô cũng là một trong món quan trọng trong vật phẩm cúng lễ của Tết Ngô. Khi bánh được đồ chín, người Cống sẽ chọn lấy 4 chiếc tròn, đẹp nhất dâng lên lễ cúng như gửi gắm ước mong cho 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông đều mưa thuận, gió hòa.
Cũng trong Tết Ngô, người Cống còn có món cua nhồi ngô là một trong những món không thể thiếu được. Người Cống quan niệm cua là loài vật bảo vệ mùa màng không bị chim, chuột phá hoại. Cua phải bắt từ dòng suối trong, rửa sạch, tách đôi, moi hết thịt cua ra nhồi bột ngô vào, sau đó ghép lại thành hình con cua như cũ, đem đồ chín bày lên mâm. Không chỉ vậy, các vật dụng săn bắt hái lượm đều được buộc con cua lên rồi thầy mo làm lễ cúng dụng cụ.
Bên cạnh bánh ngô, người Cống còn làm bánh chưng, bánh củ mài. Bánh chưng của người Cống rất khác biệt so với bánh chưng của người kinh. Nguyên liệu để làm bánh chưng của người Cống vẫn bao gồm: gạo nếp nương, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu, muối... nhưng họ không gói bánh vuông mà gói hình dài và rất rất nhỏ; có lẽ vì gói nhỏ nên thịt lợn cũng được băm nhỏ để tăng thêm hương vị cho chiếc bánh. Chiếc bánh sau khi được luộc chín khoảng 2 tiếng vẫn giữ được độ dẻo, sánh mịn của hạt nếp nương, mùi thơm của lá dong, đậu xanh và thịt hòa quyện tạo nên hương vị vừa lạ vừa quen.
Đến những món rau rừng
Món nộm chít non có lẽ là một trong những món rất lạ của người Cống. Theo các cụ kể rằng, ngày xưa khi đi lên nương, rẫy người Cống thường hái những búp chít non để ăn. Dần dần, ăn chít non thấy lạ thì họ mang về nhà hấp chín lên, trộn cùng quả cóc rừng, rau mùi để tạo thành một món ăn không thể quên.
Búp chít ban đầu ăn có vị hơi đắng, vị ngọt kết hợp với vị chua của quả cóc rừng và mùi thơm nhè nhẹ của rau mùi đã làm nên một món nộm chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi hương vị. Bên cạnh đó, một mâm cơm truyền thống của người Cống thì không thể thiếu các món bê hấp, thịt bò – thịt trâu gác bếp...
Người Cống cũng có món Cha khả cha vàng là món ăn nấu từ tiết lợn với lá vón vén, rau đắng, ăn để chữa bệnh dạ dày hay ăn khi bị đau bụng. Họ cũng thường lấy những lá rừng để đun nước uống, sử dụng một số thảo mộc để giúp an thần, dễ ngủ, kích thích tiêu hóa…
Do các tác động của cuộc sống hiện đại và điều kiện sống cộng cư với các dân tộc khác, trong mâm cơm truyền thống của người Cống đã có những thay đổi nhất định có thể nhiều hay ít món tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Tuy nhiên, những món bánh truyền thống, món nộm chít non, cua nhồi ngô, thịt sấy khô vẫn luôn được những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Cống thể hiện mỗi khi nhà có lễ, tết...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất