01/03/2013 07:19 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây hơn 100 năm, một “ông Tây” đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Hơn 50 năm gắn bó với nước Việt, ông đã miệt mài cống hiến để phục vụ cho khoa học và nhân loại. Trong lịch sử Việt Nam, chưa có “ông Tây” nào lúc qua đời lại được nhân dân bái vọng, rước linh vị vào thờ trong nhiều ngôi chùa ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngoài “Ông Năm” - bác sĩ Alexandre Yersin.
Còn nhớ năm 1998, nhân kỷ niệm 100 năm TP Đà Lạt, có người đã đề nghị chính quyền TP Đà Lạt nên dựng tượng của bác sĩ Yersin ngay đầu dốc đèo Pren để du khách và người dân Đà Lạt nhớ đến công lao của người đầu tiên khám phá ra cao nguyên Lang Biang. Ý tưởng ấy đến giờ vẫn chưa được thực hiện nhưng trước ngôi mộ của vị bác sĩ tài danh ở Suối Dầu (Nha Trang) thì ngày nào cũng có hoa tươi và nhang khói…
Từ giã kinh kỳ tìm ra Đà Lạt
Chân dung bác sĩ Yersin |
Mới 26 tuổi, danh tiếng của Yersin đã vang lừng trong giới khoa học nhưng vốn thích mạo hiểm, ông đã từ giã Paris - kinh đô ánh sáng để lên đường sang Đông Dương vào cuối năm 1889. Lúc đó ông là y sĩ cho hãng tàu thủy Messageries Maritimes, mỗi lần tàu cập bến Nha Trang ông lại thích thú ngắm nhìn dãy Trường Sơn hùng vĩ, nghe niềm đam mê mạo hiểm thôi thúc và rồi ông quyết định đi bộ từ Nha Trang vào Sài Gòn (lúc ấy địa hình còn rất hoang dã, chưa có đường xe hơi, xe lửa…). Tháng 7/1890, từ Nha Trang ông đi ngựa vào Phan Rí, rồi nhờ người dẫn đường lần mò trong rừng thẳm, hai ngày sau ông đến Di Linh.
Trong cuộc thám hiểm miền Dran năm 1893, mặc dù được 3 người Việt tháp tùng với 3 khẩu súng trường, 1 súng lục nhưng vẫn bị bọn thổ phỉ tước khí giới. Đám tùy tùng bỏ chạy hết, còn ông bị chúng chém đứt nửa ngón cái tay trái và đâm nhiều nhát vào ngực. Tưởng ông đã chết, bọn phỉ bỏ đi… Nửa đêm, ông nhờ người khiêng võng về Phan Rang. Dọc đường lại gặp một đàn voi rừng, những người khiêng võng bỏ chạy hết để ông một mình chơ vơ giữa rừng, may mà đàn voi rẽ qua đường khác…
Sau 3 cuộc thám hiểm liên tiếp, ngày 21/6/1893 Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang. Ông viết trong hồi ký: “Khi vượt khỏi rừng thông, tôi đối diện với một cao nguyên mênh mông, không cây cối và hoang vu, có dáng như một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng cồn ba động màu xanh biếc. Dãy núi Lang Biang sừng sững phía chân trời Tây Bắc cao nguyên làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ…” (Genevray: Indochine, 1943).
Lúc đó vùng này chỉ có thưa thớt vài làng người dân tộc Lát. Yersin đã đề nghị Toàn quyền Paul Doumer thành lập ở đây một thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh. Năm 1898, thành phố Đà Lạt được khởi công xây dựng… Năm 1894, bác sĩ Yersin dẫn theo 15 người khám phá các tỉnh Đắklắk và Kon Tum…
Tìm ra thuốc dịch hạch và mở trường Y khoa Hà Nội
Vừa đi thám hiểm về, nghe tin bệnh dịch hạch đang hoành hành ở Vân Nam (Trung Quốc) và đang lan tràn sang Hong Kong làm chết ngót 60.000 người. Ông liền đi tàu thủy sang Hong Kong, mua xác chết về mổ xẻ, cấy vi trùng vào chuột bạch. Thấy chuột cũng chết vì dịch hạch, ông gửi loại vi trùng này về Paris cho các đồng nghiệp thí nghiệm.
Năm 1895, sau khi lập Viện Pasteur Nha Trang, ông trở về Pháp để cùng các bác sĩ Calmette (được đặt tên đường ở Việt Nam cùng với Yersin) và Roux nghiên cứu thuốc trị bệnh dịch hạch. Năm sau ông trở lại Việt Nam mang theo loại thuốc mới… Khi đó bệnh dịch hạch lại bùng phát tại Quảng Châu và Hạ Môn (Trung Quốc). Yersin đã sang tận nơi, thử dùng loại thuốc mới tìm ra và cứu sống được nhiều người…
Tác giả bên mộ Yersin ở Suối Dầu, Nha Trang, Khánh Hòa |
Ngoại trừ mấy năm (1902-1904) ra Hà Nội mở trường Cao đẳng Y khoa và về Pháp mấy lần thăm bác sĩ Roux, thời gian còn lại cho đến cuối đời, Yersin chỉ sống và làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang. Ở đây ông cùng các cộng sự chuyên quan sát súc vật và tìm ra thuốc phòng và chữa bệnh trâu, bò…
Từ năm 1905-1918, ông làm Giám đốc hai Viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang. Năm 1925 là Tổng thanh tra các viện Pasteur Đông Pháp. Năm 1933, sau khi các bác sĩ Roux và Calmette từ trần, ông được mời về Pháp để nối tiếp chức vụ Viện trưởng Viện Pastuer Paris lừng danh thế giới, nhưng ông đã từ chối vì đã có ý định ở lại Việt Nam cho đến mãn đời. Dù rất khiêm tốn nhưng tên của bác sĩ Yersin vẫn có trong “Bác sĩ học viện” và “Y học Hàn lâm viện”, được thưởng Nhị đẳng Bắc đẩu bội tinh và nhiều huy chương quốc tế…
Ngày 1/3/1943 bác sĩ Yersin qua đời tại Nha Trang, hưởng thọ 80 tuổi. An táng trên một ngọn đồi ở đồn điền Suối Dầu. Theo di chúc của ông, đám tang đã diễn ra cực kỳ đơn giản nhưng hầu như tất cả người dân trong khu vực, từ người trí thức cho đến người dân quê mùa đều lũ lượt đến đốt nhang sụp lạy trước quan tài ông để tỏ lòng kính mến và thương tiếc một bậc ân nhân đã sống chan hòa với họ bằng tấm lòng nhân hậu vô biên. Ông xứng đáng là một thầy thuốc trứ danh, một nhà mạo hiểm can trường, một nhà nông học uyên bác…
Người dân Nha Trang gọi bác sĩ Yersin bằng cái tên rất bình dân và thân thiết: Ông Năm… Lòng nhân ái của ông Năm còn thể hiện với cả loài vật, chim muông, ông thường thêm hai chữ “người ta” khi gọi con vật: “người ta chó”, “người ta mèo:, “người ta két” (ông Năm nói tiếng Việt rất chuẩn). |
Hà Đình Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất