20/02/2012 11:42 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Từ khi công bố, ý tưởng thành lập Ngày chữ Quốc ngữ VN của nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình đã sớm nhận được sự quan tâm của giới trí thức và khoa học. Thế nhưng, với những đặc điểm riêng về lịch sử ngôn ngữ VN, việc hiện thực hóa đề xuất này lại khó có thể diễn ra trong một sớm một chiều?
Quanh đề xuất của ông Bình, động thái tích cực nhất phải kể tới Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Như TT&VH đã đưa tin, cuối tuần qua, hai đơn vị này đã phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ quốc ngữ với mục đích thu thập các ý kiến đa chiều để từ đó làm “cầu nối “tiếp tục đề xuất tới các cơ quan chức năng.
Đừng coi chữ Quốc ngữ là sản phẩm “thuần ngoại”
Tới thời điểm này, đề xuất của ông Bình vẫn chưa nhận được một phản hồi nào mang tính phủ nhận hoàn toàn. Bên cạnh việc đánh giá tích cực về ý tưởng trên, sự khác biệt từ giới nghiên cứu chỉ nằm ở việc xác định những chủ thể cần tôn vinh trong ngày kỷ niệm. Chẳng hạn, lịch sử cho thấy: trước khi có chữ quốc ngữ hiện nay, người Việt đã có một thời gian dài dùng chữ Nôm làm “quốc ngữ” của mình. Xa hơn, như giả thiết của giới khảo cổ, dân tộc Việt ở giai đoạn trước Công Nguyên có thể cũng đã tự xây dựng một số bộ ký tự sơ lược để ghi lại ngôn ngữ cổ.
Vậy, nếu được thành lập, Ngày chữ Quốc ngữ có nên chỉ tôn vinh loại hình đang được sử dụng hiện nay? Cũng phải xét thêm tới một vấn đề tế nhị: chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ nước ngoài sáng lập (dựa trên bộ ký tự Latin) và đưa vào VN. Trong khi đó, dù vay mượn bộ ký tự chữ Hán, chữ Nôm lại là sản phẩm được người Việt tạo ra và gắn liền với những kiệt tác của dân tộc như thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc...
Các đại biểu tại cuộc tọa đàm đều đồng tình về việc cần có một ngày
tôn vinh Chữ viết Quốc gia. Ảnh: Vương Anh
“Hãy nhìn chữ Quốc ngữ là sản phẩm “hợp tác quốc tế” và có bàn tay của người Việt chứ không thể tự ti và cứng nhắc”- Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trả lời TT&VH về vấn đề này - “Chắc chắn, nếu không có những người bản xứ, Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ khác không thể học tiếng Việt một cách tường tận, không thể đơn phương viết cuốn từ điển Việt - La - Bồ. Sự vắn tắt của lịch sử không ghi lại đóng góp từ những cộng sự VN vô danh ấy”. Cũng theo phân tích của ông Ân, trong vài thế kỷ qua, bản thân chữ Quốc ngữ cũng được người Việt liên tục phát triển và sáng tạo thêm rất nhiều để có được định dạng như hiện nay”.
“Do cấu trúc phức tạp và không đại chúng, bản thân chữ Nôm có một thời gian dài “vật vờ” trong đời sống và cũng gần như không được các chính quyền phong kiến chủ động đưa vào chế tác, chuẩn hóa để thành chữ viết chính thống. Việc chữ Nôm bị thực tế gạt bỏ dần và thay bằng chữ Quốc ngữ là do sự phát triển khách quan của lịch sử”- ông Lại Nguyên Ân nói thêm.
Tán đồng với ý kiến của ông Lại Nguyên Ân, nhiều phân tích tại tọa đàm đã cho rằng việc chữ Quốc ngữ được phát triển mạnh ở VN đầu thế kỷ XX phần nào gắn với nỗ lực cách tân của các học giả và trí thức giai đoạn này, khi muốn đoạn tuyệt hẳn với ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc có phần già cỗi, thủ cựu để vươn sang học hỏi từ văn hóa phương Tây.
Nên “chuẩn hóa” trước khi tôn vinh?
Bổ sung cho đề xuất của ông Bình, nhiều nhà nghiên cứu cũng tán thành việc mở rộng Ngày chữ Quốc ngữ để tôn vinh thêm ngôn ngữ, ký tự của các dân tộc anh em trên cả nước (TT&VH đã đăng tải ngày 17/2). Trao đổi với TT&VH, ông Bình cũng đồng tình với ý tưởng này: Bên cạnh chữ Quốc ngữ được dùng một cách phổ quát, tiếng Việt còn có nhiều loại hình ký tự riêng. Cá nhân tôi cho rằng nên dùng khái niệm Ngày chữ Quốc ngữ/chữ viết Quốc gia -Văn hóa dân tộc. Tên gọi này vừa tôn vinh được ngôn ngữ, ký tự của các dân tộc thiểu số, vừa phù hợp với thực tế rằng chữ Quốc ngữ hiện nay là cầu nối lớn nhất để 64 dân tộc anh em trên cả nước có chung tiếng nói với nhau”.
Vậy, ý tưởng “tôn vinh sự chuẩn mực, chính xác của tiếng Việt” cần được thực hiện như thế nào trong trường hợp ngày chữ viết Quốc gia được công nhận? Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ khá thẳng thắn: “Tôi cho rằng việc có một ngày chữ viết Quốc gia là cần thiết, nhưng phải đặt trong một nền ngôn ngữ đã được chuẩn hóa. Khi đã có một bộ Luật ngôn ngữ quy định rõ về Tiếng Việt chuẩn, về cách viết, cách phiên âm, về thái độ ứng xử với chữ Nôm và chữ viết của các dân tộc khác và cả về một ngày chữ viết quốc gia được quy định, chúng ta mới có thể nhìn tổng thể và có chuẩn mực để tôn vinh và đề ra mục tiêu hành động trong ngày này”.
Thực tế cho thấy ý tưởng về xây dựng Luật Ngôn ngữ, trong đó có những quy phạm chuẩn về sử dụng tiếng Việt - đã được nhắc tới tại các kỳ họp Quốc hội VN năm 2010 và nhận về nhiều ý kiến tán đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ Luật này vẫn chưa được triển khai vì nhiều lý do, trong đó phải kể tới sự phức tạp về ngữ pháp, ngữ âm và các quy tắc của tiếng Việt.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất