Ai cùng tôi cạn chén

11/05/2014 09:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An, Hoàng Dị, Cổ Long được học giới kiếm hiệp xếp vào Võ hiệp ngũ đại gia, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Chính vì vậy, để hiểu về cuộc đời, phong cách và triết lý của văn sĩ này thì sẽ rất mất thời gian để đọc. Trong tình thế như vậy, cuốn Ai cùng tôi cạn chén (Tây Phong dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, quý 1/2014) sẽ giúp ích khá nhiều cho các độc giả bận rộn.

Cổ Long (1937-1985) là văn sĩ Đài Loan, tiểu biểu cho dòng tiểu thuyết võ hiệp tân phái, được cho là đã viết 82 bộ, nhưng theo Hội Văn học võ hiệp Trung Quốc thì “Cổ Long rin” chỉ có 69 bộ, những bộ kia thuộc “Cổ Long lô”.


Tác phẩm Ai cùng tôi cạn chén tuyển chọn gần 50 tạp văn và 11 bức thư pháp khá đẹp - mới nhìn tưởng như chỉ bàn về chuyện uống rượu và chuyện chơi bời, nhưng thực ra, là một lát cắt lớn về thế giới quan của Cổ Long. Nếu 11 thư pháp gần như chỉ nói về chuyện “ai cùng tôi cạn chén”, qua đó bày tỏ khí khái bản thân, thì 20 tạp văn bắt đầu bằng hai chữ “Đâu phải” lại luận đủ thứ chuyện trên đời, từ hạnh phúc, ly biệt cho đến tự do, bằng hữu… 20 tạp văn kế tiếp là những quan niệm về giang hồ, anh hùng, võ hiệp, rượu…, và cả nhân vật kinh điển Tiểu Lý phi đao. Cuối cùng là 6 tạp văn có tên chung Cổ Long diệu luận tinh tuyển, nơi đây bàn về các triết lý chính trong tiểu thuyết võ hiệp, nó viết về: nhân sinh, nhân tính, tình cảm, tình bạn, võ công và cả bối cảnh trữ tình.

Cũng xin nhắc lại, tiểu thuyết võ hiệp hiện đại thật sự phát triển từ sau phong trào Ngũ Tứ vào năm 1919 tại Trung Quốc. Nó là biểu tượng của tự do cá nhân, chống lại tư tưởng giáo điều, độc tài và các biến tướng của Khổng giáo. Vì cổ xúy tự do mà dòng tiểu thuyết này bị cấm tại Trung Quốc lục địa một thời gian dài, chỉ trừ một vài khu vực Hoa ngữ khác như Đài Loan hay Hong Kong là vẫn thịnh vượng. Tại Đài Loan, cùng với Ngọa Long Sinh, Gia Các Thanh Vân, Tư Mã Linh, Cổ Long đã lập nên thời kỳ tân phái rực rỡ, sau đó có thêm sự bổ khuyết của Ôn Thụy An, Huỳnh Dị và Trịnh Phong, nên phong trào phát triển khá xuyên suốt.

Cổ Long sống một đời phóng túng, chết vì bị gan do uống rượu quá nhiều (có thể thấy trong Ai cùng tôi cạn chén). Lúc hạ huyệt, bạn bè xa gần mang đến 48 chai rượu loại mà Cổ Long thích nhất chôn cùng quan tài của văn sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh này. Những người vợ và các phụ nữ mà Cổ Long từng yêu, từng sống chung đã không ai đến đưa ông lần cuối.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm