Ai Cập: Phát lộ tượng bán thân Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius hiếm có, nhiều cổ vật quý giá

24/04/2018 13:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Bộ Cổ vật Ai Cập, trong quá trình làm việc tại Đền Kom Ombo ở Aswan, thành phố miền Nam Ai Cập, nhằm bảo vệ ngôi đền này tránh bị ngập do nguồn nước ngầm, các nhà khảo cổ nước này đã tình cờ tìm thấy tượng bán thân của Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius.

Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius cai trị từ năm 161 đến năm 180 sau Công nguyên và cái chết của ông được cho là đánh dấu sự mở đầu cho hồi kết của Đế quốc Tây La Mã (phần phía Tây của Đế quốc La Mã cổ đại).

Chú thích ảnh
Đầu tượng Hoàng đế Marcus Aurelius còn khá nguyên vẹn, nhìn thấy rõ râu và mái tóc gợn sóng của ông

Bức tượng bán thân Hoàng đế Marcus Aurelius được cho là phát hiện quan trọng bởi theo các chuyên gia, tượng của vị vua này không thường thấy trong khu vực.

Đầu tượng vẫn còn khá nguyên viện và có thể thấy rõ râu và mái tóc gợn sóng của ông.

Là một chiến binh, ông đã xây dựng Đế quốc La Mã cường thịnh. Dưới triều đại lâu dài của vua Marcus Aurelius, Quân đội La Mã phải vào sinh ra tử chinh chiến chống Đế quốc Parthia đang phục hưng, và chống nhau với các bộ lạc man tộc German dọc theo biến giới phía Bắc Limes Germanicus - những người đã tiến vào xứ Gaule và vượt qua sông Danube.

Chú thích ảnh
Một bức tượng khác mô tả chân dung Hoàng đế Marcus Aurelius

Là một vị Hoàng đế tài cao học rộng, ông đã ban hành nhiều cải cách. Tác phẩm Suy ngẫm, được Hoàng đế Marcus Aurelius thân hành ngự bút viết trong những năm tháng binh lửa từ năm 170 đến năm 180 (bằng tiếng Hy Lạp), được xem là một tác phẩm kinh điển của triết học Khắc kỷ, về trách nhiệm và sự phục vụ của chính quyền.

Qua cuốn sách này, chúng ta biết rằng ông đã tiếp nhận tư tưởng của nhà văn hào Platon về một ông vua - hiền triết như thế nào?

Và chúng ta cũng biết được về cuộc sống nội tâm của bậc đại minh quân La Mã, nhờ đó, ông trở thành một vị vua - hiền triết mẫu mực, dù rằng ông bách chiến bách thắng trong những cuộc binh đao.

Chú thích ảnh
Một số đồ tạo tác cổ được tìm thấy tại đền thờ thần Osiris-Ptah-Neb

Ngoài bức tượng bán thân này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều cổ vật từ ngôi đền thờ thần Osiris-Ptah-Neb, trong khuôn viên ngôi đền Karnak, thuộc thành phố Luxor.

Các phát hiện tại Karnak có một phần phiến đá mô tả con cừu đực và ngỗng, các biểu tượng của vị thần cổ đại Ai Cập Amun.

Vào thời kỳ Tân vương quốc, Amun được nâng lên hàng đấng sáng tạo vũ trụ, Ai Cập lúc này theo thuyết độc thần. Ông được coi là cha và người bảo vệ cho các pharaoh.

Chú thích ảnh
Phiến đá khắc cừu đực và ngỗng, biểu tượng của vị thần cổ đại Ai Cập Amun

Thêm nữa, các nhà khảo cổ còn phát hiện lối ra vào của đền thờ với nhiều cột và tường bên trong cùng tàn tích của căn phòng thứ 3, các tảng đá móng và sàn của đền thờ.

Theo tiến sĩ Ayman Ashmawy, Trưởng Ban cổ vật thuộc Bộ Cổ vật Ai Cập, đền thờ thần Osiris là một trong những ngôi đền quan trọng nhất thời cổ đại. Ngôi đền này còn có tên các vị vua Taharka và Tanout Amun, cho thấy sự liên kết với cuối triều đại thứ 25 của Ai Cập (760-656 trước Công nguyên). Tanout Amun là vị vua cuối cùng của triều đại thứ 25.

Chú thích ảnh
Tàn tích lối ra vào ngôi đền thờ thần Osiris-Ptah-Neb

Hồi đầu năm, các nhà khảo cổ tuyên bố họ phát hiện ra một phần bức tượng mô tả Ramses II, một trong những vị pharaoh nổi tiếng nhất.

Sau lăng mộ Tào Tháo, mộ các ‘kẻ thù’ Lưu Bị và Tôn Quyền tiếp tục bị 'săn lùng'

Sau lăng mộ Tào Tháo, mộ các ‘kẻ thù’ Lưu Bị và Tôn Quyền tiếp tục bị 'săn lùng'

Sau khi tiến hành khai quật lăng mộ mà các nhà khảo cổ tin đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của Tào Tháo, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, giờ họ tiếp tục "săn lùng" lăng mộ của các “đối thủ” của ông là Lưu Bị và Tôn Quyền.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm