Ethiopia xây đập thủy điện trên sông Nile: Bức tử linh hồn 'lục địa đen'

30/05/2013 16:00 GMT+7 | Trong nước

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã triệu Đại sứ Ethiopia tại nước này đến để bày tỏ phản ứng về việc quốc gia vùng Sừng châu Phi này vừa tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Blue Nile (Nile Xanh) trong dự án xây dựng đập thủy điện.

Sông Nile - Linh hồn của lục địa đen

Ai Cập đã lên tiếng chỉ trích Ethiopia tiếp tục thúc đẩy dự án nói trên bất chấp các khuyến nghị của Ủy ban kỹ thuật ba bên (gồm 10 chuyên gia Ai Cập, Sudan và Ethiopia) về tác động của công trình này đối với hai quốc gia ở hạ lưu sông Nile là Sudan và Ai Cập.

Trước đó, ngày 28/5, Ethiopia bắt đầu chuyển hướng dòng chảy sông Nile Xanh - một trong 2 nhánh chính của sông Nile - trong khuôn khổ dự án xây hàng loạt đập thủy điện mang tên "Đại Phục hưng Ethiopia". Dự án thủy điện này được triển khai tại khu vực Benishangul-Gumuz, Tây Bắc Ethiopia, có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD với công suất 6.000 MW. Dự án được khởi công vào tháng 4/2011, và theo kế hoạch, giai đoạn đầu sẽ hoàn tất trong 3 năm tới.

Chính phủ Ethiopia coi dự án trên là một "dấu mốc lịch sử", trong khi Sudan và Ai Cập cho rằng việc xây dựng các đập thủy điện của Ethiopia sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mà hai quốc gia này được khai thác từ sông Nile.

Đền Abu Simbel bên sông Nile ở Ai Cập

Hiện có hai nhóm nước đang tranh cãi về quyền khai thác nguồn nước sông Nile. Nhóm thứ nhất là các nước hạ lưu sông Nin gồm Ai Cập và Sudan; nhóm còn lại là các nước ở thượng lưu gồm Ethiopia, Eritrea, Uganđa, Congo, Burundi, Tanzania, Nam Sudan, Ruanda và Kenya.

Chính quyền Cairo cho rằng Ai Cập có quyền lợi lịch sử đối với nguồn nước sông Nile. Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nin chảy qua lãnh thổ nước này, song văn bản này chỉ mang tính ràng buộc đối với 3 quốc gia thượng nguồn vốn là thuộc địa của Anh gồm Tanzania, Kenya và Uganda.

Năm 1959, Ai Cập và Sudan ký một thỏa thuận cho phép Cairo khai thác 66% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm, trong khi Sudan được khai thác 22% (tỷ lệ 12% còn lại thất thoát do nước bay hơi). Tuy nhiên, các nước thượng nguồn cho rằng họ không phải là một bên tham gia ký kết thoả thuận trên và do vậy không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này. Tháng 5/2010, Ethiopia soạn thảo một thỏa thuận mới, theo đó cho phép các nước khác thuộc lưu vực sông Nile được thực hiện các dự án khai thác nguồn nước sông Nile mà không cần sự chấp thuận của Ai Cập.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm