Từ niềm tự hào, sân Mỹ Đình đã trở thành 'nỗi xấu hổ' của thể thao Việt Nam!

24/09/2021 10:26 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Được xây dựng để phục vụ SEA Games 22 năm 2003, sân Mỹ Đình từng được coi là niềm tự hào của thể thao Việt Nam (TTVN). Nhưng gần 20 năm trôi qua, vì những nguyên nhân khách quan, lẫn cả chủ quan, sân vận động quốc gia này đã và đang xuống cấp trầm trọng khiến cho nguy cơ không thể tổ chức các sự kiện quốc tế ngày càng hiện hữu nếu như không sớm được sửa chữa và cải tạo.

VFF hỗ trợ thiết bị, sân Mỹ Đình được tu sửa khẩn cấp

VFF hỗ trợ thiết bị, sân Mỹ Đình được tu sửa khẩn cấp

Trước những lời phàn nàn của cả đội khách Australia cũng như dư luận trong nước về chất lượng mặt cỏ sân Mỹ Đình ở trận Việt Nam-Australia vào ngày 7/9 vừa qua, VFF đã quyết định sẽ cung cấp thiết bị hỗ trợ để cùng Khu liên hợp thể thao QG Mỹ Đình tiến hành tu sửa mặt sân ngay từ hôm nay (22/9) để chuẩn bị cho 2 trận đấu của ĐT Việt Nam tại đây vào tháng 11.

Nhiều hạng mục xuống cấp

Sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Australia diễn ra vào ngày 7/9 trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã lên tiếng phàn nàn về chất lượng SVĐ Mỹ Đình làm ảnh hưởng tới thi đấu gửi tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Cụ thể, mặt cỏ sân thi đấu, hệ thống ánh sáng, chất lượng các phòng chức năng phục vụ tổ chức thi đấu đều kém, ảnh hưởng tới trận đấu. AFC đề nghị VFF khẩn trương tìm cách cải thiện, nâng cao chất lượng sân bãi nhằm tổ chức các trận đấu còn lại của đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình tại vòng loại World Cup 2022 được tốt hơn.

 

 

Trước đó, trong cuộc họp báo sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Australia, HLV Graham Arnold cũng đã công khai chê mặt sân Mỹ Đình kém chất lượng, “Mặt sân hôm nay không tốt nên cũng phần nào ảnh hưởng đến lối chơi của chúng tôi”. Thậm chí, trên diễn đàn Inside Sport nhiều CĐV Australia cũng đưa ra các so sánh khá hài hước về mặt sân như “chiếc bánh kem”, “bãi cỏ chăn bò” hay “sân thi đấu chỉ dành cho bóng đá nghiệp dư”…

Trên thực tế, việc mặt cỏ hay nhiều hạng mục cơ sở vật chất trên sân Mỹ Đình đang ngày càng xuống cấp là chuyện không mới và có thể nhận thấy bằng mắt thường. Riêng về mặt cỏ có chỗ mấp mô, màu sắc cỏ không đều và bong tróc nham nhở rất dễ nhìn thấy do lần cải tạo và thay mới gần nhất đã 10 năm. Khu vực khán đài C, D xuất hiện tình trạng sụt, lún, đọng nước. Hầu hết hệ thống phòng chức năng đã xuống cấp, một số nhà vệ sinh trên khu vực khán đài trong tình trạng bẩn thỉu bốc mùi. Đặc biệt, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đều đã “tê liệt” do hỏng hóc lâu ngày nhưng không được sửa chữa…

Lý do dẫn đến thực trạng nêu trên được các nhà quản lý của ngành thể thao lý giải là do sân Mỹ Đình được xây dựng từ lâu và không có ngân sách để tu bổ dẫn đến tình trạng hư hỏng của sân kéo dài. Khu Liên hợp thể thao quốc gia - đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác công năng sân Mỹ Đình từ năm 2012 là đơn vị tự chủ tài chính 100% nên không có quỹ tài chính nhất định để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp thường xuyên.

Chú thích ảnh
Từ chỗ là niềm tự hào của thể thao nước nhà, sân vận động Mỹ Đình giờ xuống cấp khiến hình ảnh nền thể thao bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Dù vậy, trong giai đoạn từ 2012 đến năm 2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã ký tổng số 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng các khu đất với khoảng 42 doanh nghiệp và thu được số tiền rất lớn nhưng số tiền chi cho duy tu, bảo dưỡng sân Mỹ Đình lại không đáng kể. Điều đáng chú ý, trong thông báo kết luận thanh tra số 1016/TB-TTCP ban hành ngày 29/06, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý 777 tỉ đồng sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia.

Gấp rút sửa chữa

Việc sân Mỹ Đình hư hỏng và xuống cấp không chỉ khiến hình ảnh của nền thể thao bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà xa hơn, nó dẫn đến nguy cơ Việt Nam không được trao quyền tổ chức, đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế lớn tại đây.

Trong thông báo của AFC gửi tới VFF, dù khả năng tổ chức này không chấp nhận cho Việt Nam tổ chức các trận đấu còn lại của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 chưa được đề cập, song việc AFC “nhắc nhở” cần nhanh chóng sửa chửa, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế khi tổ chức thi đấu giống như một lời cảnh báo. Nguy cơ đội tuyển Việt Nam phải tìm một sân thi đấu khác làm sân nhà đang dần hiện hữu và có thể trở thành sự thật ngay tương lai gần, trong trường hợp sân Mỹ Đình ngày càng xuống cấp và không được sửa chữa kịp thời.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Đạo Cương (áo trắng) trực tiếp kiểm tra mặt cỏ sân Mỹ Đình và chỉ đạo về công tác sửa chữa.Ảnh: Bộ VH,TT&DL

Theo thông tin mới nhất, sau khi tiếp nhận thông tin từ VFF, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có cuộc kiểm tra hiện trạng sân Mỹ Đình và chỉ đạo các đơn vị liên quan phải sớm phối hợp và bắt tay vào triển khai kế hoạch sửa chữa. Trước mắt, để giải quyết bài toán kinh phí sửa chữa, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan đến quá trình chuẩn bị, để dự án sửa chữa các hạng mục trên sân Mỹ Đình sớm được khởi công.

Trước mắt, ưu tiên sửa chữa 6 phòng chức năng gồm phòng trọng tài, 2 phòng thay đồ của 2 đội, phòng VAR, phòng giám sát của AFC và phòng họp báo để phục vụ tổ chức thi đấu. Về mặt sân cỏ, Tổng cục TDTTsẽ phối hợp cùng Khu Liên hợp thể thao quốc gia và VFF tìm phương án khắc phục, cải tạo, nâng cấp mặt sân cỏ sao cho đáp ứng được yêu cầu của AFC, để phục vụ tốt nhất cho các trận đấu sắp tới của đội tuyển Việt Nam trong tháng 11.

Với các hạng mục khác, việc sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy trên sân quốc gia Mỹ Đình dự kiến sẽ được khởi động vào ngày 30/9. Đây là hạng mục đặc biệt quan trọng, liên quan đến các vấn đề phòng chống cháy nổ, an ninh an toàn trong tổ chức thi đấu nên sẽ được triển khai sớm, để kịp đưa vào sử dụng. Cùng với đó, cũng tiến hành sửa chữa, nâng cấp trạm biến áp, máy phát điện, thang máy, trạm bơm, tủ điện ngoài trời.

Tiếp đó, ngày 20/10, sẽ bắt đầu cải tạo, sửa chữa trong và ngoài sân vận động, lắp đặt thiết bị vệ sinh, cải tạo sửa chữa đường chạy sân tập 1, hệ thống điện chiếu sáng trong nhà, sân vườn, cải tạo trạm xử lý nước thải, hệ thống điều hòa không khí…. Tất cả nhằm kịp thời phục vụ cho trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp Nhật Bản vào ngày 11/11 và gặp Saudi Arabia vào ngày 16/11 tới.

Sân Mỹ Đình sẽ được sửa chữa toàn diện với kinh phí 150 tỷ đồng

Nhằm phục vụ tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam, dự án cải tạo Khu Liên hợp thể thao quốc gia với kinh phí 480 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí sửa chữa sân Mỹ Đình là 150 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. Dự án hiện đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt, dự kiến được khởi công vào ngày 20/10.

Từ cuối năm 2020, sân Mỹ Đình đã bắt đầu được tu sửa để chuẩn bị cho SEA Games 31 song do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, đại hội đã bị hoãn lại (dự kiến diễn ra vào tháng 6/2022), nên tiến độ sửa chữa cũng phần nào bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, liên quan tới việc sửa chữa một số hạng mục nhằm tổ chức các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng giao Tổng cục TDTT chịu trách nhiệm kiểm tra tiến trình sửa chữa, nâng cấp. Sẽ có 3 đợt kiểm tra tại chỗ từ nay cho đến cuối tháng 10 vào các ngày 30/9, 15/10 và 30/10.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên - đơn vị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế cơ sở vật chất, trang thiết bị và các hạng mục công trình tại sân vận động thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mảng công việc còn lại.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trong buổi kiểm tra và làm việc tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia ngày 21/9 vừa qua, việc sửa chữa sân Mỹ Đình cần phải được đẩy nhanh tiến độ thực hiện mới đảm bảo được thời gian, không để xảy ra tình trạng làm đi làm lại các hạng mục. “Thời gian chúng ta có không còn nhiều nên cần phải nỗ lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng phù hợp với các quy định", ông Cương nhấn mạnh.

Phúc Hưng

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm