13/03/2011 19:20 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH cuối tuần) - Trong thể thao, mỗi vụ thử chất bị cấm thất bại đều đi kèm theo những lời bào chữa chính thức, dù đó là của Thủ tướng Tây Ban Nha Luis Zapatero cho tay đua xe đạp Alberto Contador, hay những biện bạch không kém phần gượng gạo mới đây của Arsene Wenger, huấn luyện viên Arsenal, cho cậu học trò cũ Kolo Toure sau khi cầu thủ này bị phát hiện dương tính với chất bị cấm trong một cuộc xét nghiệm trước trận Aston Villa - Manchester City ở Premier League.
Nhân trường hợp Toure
Toure dính doping, Ảnh Getty |
Wenger giải thích cho việc mẫu A của Toure dương tính là bởi hậu vệ này đã uống thuốc của vợ đưa, còn huấn luyện viên Man City, Roberto Mancini, thì đi xa tới mức tặng chiến thắng ngày thứ Bảy tuần sau đó trước Wigan cho cựu đội trưởng của câu lạc bộ và mô tả Toure như một cầu thủ tuyệt vời, nghiêm túc và hết sức chuyên nghiệp.
Có thể là đúng như thế. Tuy nhiên, cũng có thể, với khả năng không hơn không kém, cầu thủ người Bờ Biển Ngà là một kẻ gian lận. Không ai biết cả, và sẽ không bao giờ có ai biết được. Những người như vận động viên chạy tốc độ Dwain Chambers, thừa nhận công khai việc sử dụng chất bị cấm có hệ thống, là rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong giới thể thao. Hầu hết các vụ xét nghiệm dương tính đều kéo theo một chuỗi dài những lời giải thích, xin lỗi và bào chữa đủ loại, chủ yếu là dựa trên nguyên tắc “không biết không có tội” (tôi chỉ uống thuốc cảm, tôi không biết trong đó có gì), bị người khác vô tình làm hại (tôi uống thuốc vợ đưa, như trong trường hợp Toure) hay chỉ bởi sự sắp đặt kỳ lạ của số phận (tại món thịt bò, như trong trường hợp của Contador).
Trong bóng đá, việc một cầu thủ nào đó sử dụng chất kích thích bị cấm để chạy nhanh hơn, có sức bền tốt hơn hay đơn giản là tỉnh táo hơn những người khác, thường vẫn được coi là điều đáng ghê tởm nhất. Nhưng nghĩ cho cùng, có lẽ hiếm môn thể thao nào mà việc gian lận trở nên phổ biến như bóng đá. Các cầu thủ được yêu cầu tập ăn vạ để kiếm thẻ và kiếm phạt, câu giờ trắng trợn để bảo toàn tỷ số hay dùng tay đẩy bóng vào lưới nhân lúc trọng tài quay mặt đi.
Mà không chỉ những tình huống dẫn đến bàn thắng. Họ sẵn sàng lớn tiếng đòi được hưởng một quả ném biên ở giữa sân hay phạt góc mà chính họ biết rõ hơn ai hết rằng lẽ ra bóng phải được trao cho đối thủ. Quả phạt đền mà Fulham được hưởng trước Blackburn tuần trước tại Premier League gây ra nhiều tranh cãi, không chỉ vì các cầu thủ Blackburn cảm thấy họ không phạm lỗi, mà còn bởi nếu trọng tài cắt còi ở những tình huống đó, sẽ có khoảng 10 quả phạt đền mỗi trận.
Cần sự nghiêm khắc
Với tất cả những lý lẽ đó, những người cầm cân nảy mực sẽ cần sự nghiêm khắc đặc biệt trong vụ việc hiếm hoi mà một cầu thủ bị phát hiện dương tính với chất bị cấm này. Với bóng đá, cũng như mọi môn thể thao khác, điền kinh, đua xe đạp hay bóng chày, phần thưởng ở sân chơi đỉnh cao là rất lớn. Rủi ro khi bị phát hiện sử dụng chất bị cấm cũng lớn, nhưng xét về mặt kinh tế học, động cơ sử dụng chất bị cấm vẫn là điều có thật, không chỉ ở mức độ cá nhân, mà cả ở quy mô đội bóng.
Hãy nhớ lại Juventus và phòng y tế của đội bóng Italia này, được mô tả chi tiết trong cuộc điều tra chính thức dẫn đến hàng loạt phiên tòa calciopoli nổi tiếng hồi năm 2006. Theo cáo trạng, phòng y tế của Juventus có quy mô không kém gì một bệnh viện cỡ trung bình. Phiên sơ thẩm tháng 10/2006 cho thấy Juventus có tất cả 281 loại thuốc ở đó, ba phần tư là những loại phải có toa mới được sử dụng và ít nhất năm loại trong số đó có các chất bị cấm.
“Hoặc là các cầu thủ lúc nào cũng đau ốm, hoặc họ sử dụng thuốc không được kiểm tra, ngoài mục đích chữa trị để tăng cường thể lực trên sân, thì mới tích trữ một lượng thuốc lớn đến như thế”, giáo sư Gianmartino Benzi, chuyên gia dược học tại Đại học Pavia, nói. Bác sĩ của Juventus, Riccardo Agricola, bị phát hiện gian lận trong thể thao và bị tuyên án 10 năm tù giam, dù sau đó tòa phúc thẩm ở Turin hủy phán quyết này, toàn bộ vụ việc vẫn cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu việc sử dụng chất bị cấm phát triển thành hoạt động có tổ chức.
Những sự kiện trong vụ Toure đến giờ cho thấy có lẽ là anh vô tội thật. Tuy nhiên, nên nhớ rằng mọi cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đều phải, hoặc được giả định là phải, hiểu biết đầy đủ về những cảnh báo đối với việc sử dụng các chất bị cấm, kể cả những loại thuốc có tác dụng trị liệu hoặc thuốc bổ có thể vô tình chứa các chất này, thông qua bộ phận y tế của câu lạc bộ.
Ngay cả trong trường hợp Toure phạm lỗi vô ý, chấp nhận lời giải thích của anh, hay của Wenger và Mancini, sẽ mở ra cánh cửa nguy hiểm cho những kẻ bất chính sẽ sử dụng sự kiện này như một tiền lệ bào chữa. Đó cũng là lý do tại sao Tổ chức chống doping thế giới (WADA) khẳng định các vận động viên chịu trách nhiệm trực tiếp, trước hết và chủ yếu về bất cứ kết quả xét nghiệm dương tính nào. Sự vô ý và thiếu hiểu biết có thể là một lời giải thích, nhưng không thể là lời bào chữa cho bất cứ vụ sử dụng chất bị cấm nào. Xét cho cùng, “tôi chỉ vô tình thôi” đã là lời biện bạch gần như duy nhất cho gần như tất cả các vụ sử dụng chất bị cấm bị phát hiện trong thế giới thể thao, và kể cả lời biện hộ của họ có đúng, hình phạt không nên và không thể dựa vào yếu tố đó. Trường hợp Toure cũng nên như thế.
Trở lại với Toure
Theo những lời giải thích của Toure và Man City cho tới thời điểm này, anh lo lắng về các buổi tập đòi hỏi rất cao về thể lực của Man City cũng như vấn đề cân nặng rất khó kiểm soát của anh, nên đã uống nhờ những viên thuốc giúp ăn kiêng của vợ mà không hề ý thức được hậu quả.
Tuy nhiên, còn có một kịch bản khác. Toure đã có thể lo lắng về việc đáp ứng các yêu cầu thể lực nghiêm ngặt ở Man City và khi xem xét một vị trí trong đội hình chính thức, một hợp đồng lương rất cao với nhiều khoản thưởng khi ra sân, anh có thể, chỉ là có thể thôi, đã chấp nhận mạo hiểm để uống những chất bị cấm để giảm cân hoặc để duy trì sức bền. Cả hai kịch bản đó đều có thể xảy ra, chỉ là chúng ta không thể biết được mà thôi.
Tương tự như thế, chúng ta không thể nói rằng liệu việc Rio Ferdinand không tham gia buổi thử chất bị cấm trước kia là do anh quên hay có gì đó phải che giấu, hay việc nữ vận động viên điền kinh sáng giá nhất nước Anh Christine Ohuruogu bỏ buổi xét nghiệm chất kích thích chỉ vì cô là người tính tình cổ quái hay vì không muốn bị phát hiện gian lận.
Tất cả những gì chúng ta, những người yêu thể thao, tin tưởng và muốn tin tưởng là tất cả họ đều vô tội và những lời giải thích đều đúng. Nhưng về phần nhà chức trách, họ phải hành động trên nguyên tắc tối thượng, rằng kết quả quyết định động cơ và phương tiện, và hình phạt phải dựa trên nguyên tắc đó.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất