(TT&VH) - Thực tế, câu hỏi trên đã được giải đáp phần nào ở trận Milan thắng 3-2 trên sân Bari cuối tuần qua. Nhưng ngay cả khi đáp án là chính xác, thì cũng không có nghĩa là đội bóng áo sọc đỏ-đen đã tìm được một công thức hiệu quả để hướng đến thành công.
Nhật báo La Gazzetta dello Sport đã gọi ghế dự bị của Milan ở trận đấu tại Bari là “băng ghế của ước mơ”, khi ngồi trên đó lần lượt là Ronaldinho, Pato, Pirlo và Inzaghi. Ronaldinho và Pato phải ngồi dự bị không có gì là lạ, bởi họ chính là những người đã chơi kém cỏi ở trận hòa Real Madrid hôm giữa tuần. Chỉ sau khi họ rời sân, Milan mới tạo được màn ngược dòng ấn tượng. Inzaghi cũng thế, bất chấp anh là người hùng của Milan trước Real Madrid. Ở tuổi 37, Siêu Pippo hợp với vai trò dự bị chiến lược hơn là xuất trận từ đầu. Nhưng việc Pirlo phải ngồi ngoài là một ngạc nhiên lớn. Tiền vệ mang áo số 21 luôn được coi là không thể thay thế từ thời HLV Ancelotti đến Leonardo rồi Allegri, đồng thời đã đá không thiếu phút nào từ đầu mùa.
Chắc chắn, động cơ của Allegri chỉ là muốn cho Pirlo nghỉ ngơi trước khi bước vào hai trận đấu lớn với Palermo và Inter chỉ trong vài ngày, nhưng không rõ ông có tính toán được những đổi thay mạnh mẽ nhờ ý tưởng này hay không. Trước Bari, Milan đã thể hiện sức mạnh tấn công cực kỳ dồi dào với cả tá cơ hội được tạo ra. Nếu Ibrahimovic và Robinho nghiêm túc và bớt ích kỷ hơn, Milan hẳn đã có chiến thắng vang dội nhất từ đầu mùa giải và câu chuyện “không-Pirlo” sẽ có thêm sức nặng. Nhưng không phải vì thế mà người ta không nhận ra rằng vắng Pirlo, Milan đã chơi một thứ bóng đá giàu sức sống hơn rất nhiều.
Khi Pirlo có mặt trên sân, anh luôn là cầu thủ có nhiều bóng nhất của Milan, bởi gần như tất cả các đường bóng tấn công đều phải bắt nguồn từ chân Pirlo, rồi mới đến những Seedorf hay Ronaldinho – các nhà kiến tạo khác. Như vậy, bóng thường phải qua 2 “trạm trung chuyển” mới đến được các cơ hội và do đó, thiếu hẳn tốc độ và tính bất ngờ. Chưa kể các tiền vệ sáng tạo của Milan đều có xu hướng xử lý chậm rãi, nhiều khi là rườm rà. Không Pirlo, vừa hay Ronaldinho cũng ngồi ngoài, Milan ở trận gặp Bari chỉ có một “đại lý phân phối” là Seedorf, người đã chơi xuất sắc trong vai trò hộ công. Seedorf cũng thường đá chậm, nhưng trong lối chơi nhanh của cả đội, anh vẫn có thể theo được nhờ sự nhạy bén tuyệt vời ở những quyết định chuyền bóng.
Lối chơi tấn công tốc độ mà Milan tạo ra được là nhờ đâu? Có 3 yếu tố: 1) Bari đã không chơi phòng ngự tiêu cực như các đội nhỏ khác, đơn giản bởi họ rất cần thắng sau 4 thất bại liên tiếp. Hàng thủ của Bari dâng lên khá cao tạo điều kiện cho những cầu thủ giàu tốc độ như Robinho, Abate hay Pato vượt qua. 2) Không Pirlo, bóng được chuyền thắng cho Seedorf hoặc hai tiền đạo, thay vì phải chờ Pirlo “cân đong”. Cả Ambrosini, Flamini đều chỉ cố gắng chuyền càng nhanh càng tốt do khả năng cầm bóng của họ là khá hạn chế, và điều đó khiến Bari bất ngờ. 3) Seedorf đóng vai thủ lĩnh hoàn hảo. Lão tướng người Hà Lan đã chơi hộ công rất hay ở trận hòa Ajax, khi đá cùng Pirlo, trận này càng bùng nổ hơn khi được độc quyền “đạo diễn”.
Nhưng phải chăng, cứ bỏ Pirlo đi là chiến thắng sẽ tiếp tục đến? Chưa chắc. Thông thường, khi đối đầu Milan, các đối thủ thường tính toán phương án cô lập Pirlo đầu tiên. Không còn Pirlo, họ sẽ bớt một việc. Seedorf hay kể cả Ronaldinho không phải là những người khó phong tỏa, nhất là khi họ chơi gần hàng thủ đối phương hơn so với Pirlo. Mà không phải đối thủ nào cũng phòng ngự sơ hở như Bari. Chưa kể, Pirlo chắc chắn không chấp nhận đứng ngoài sau những gì anh đã làm cho Milan, trong khi bản thân anh vẫn chơi rất tốt.
Chỉ có một điều hiển nhiên là Allegri giờ đây sẽ có thêm một ý tưởng nữa để tìm hướng phá vỡ bế tắc. Sẽ có những trường hợp mà người cần phải thay ra là Pirlo. Khi ấy, ông hẳn biết sẽ phải làm gì.
Bách Việt
Nếu Pirlo thi đấu và bị phạt một thẻ vàng trong trận gặp Palermo đêm nay, anh sẽ phải nghỉ trận derby với Inter cuối tuần này vì án treo giò. Anh là cầu thủ duy nhất của cả Milan và Inter rơi vào hoàn cảnh này. |