80 năm Chiến thắng phát xít: Ký ức kinh hoàng về trại tập trung Sachsenhausen

23/04/2025 15:58 GMT+7 | Tin tức 24h

Trại tập trung Sachsenhausen được giải phóng ngày 22/4/1945. 80 năm sau, con cháu của các nạn nhân, dù trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến, sẽ không bao giờ quên nỗi thống khổ và kinh hoàng do Đức Quốc xã gây ra.

Ngày 22/4/1945, các đơn vị tiên phong của Phương diện quân Belorussia số 1 đã đến giải phóng trại tập trung Sachsenhausen và chạm trán khoảng 3.000 tù nhân, y tá cùng các bác sĩ. Nhưng đối với khoảng 300 tù nhân trong số này, binh lính Ba Lan và Liên Xô đã đến quá muộn vì họ không thể qua khỏi chuỗi ngày bị đối xử tàn bạo. Nhưng, con số này vẫn chưa thấm vào đâu, bởi một ngày trước thời điểm giải phóng, hơn 30.000 tù nhân tại trại tập trung nằm ở phía Bắc Berlin đã bị Đức Quốc xã đưa đi hành hình và hàng nghìn người đã chết vì không thể chịu đựng được sự tra tấn dã man.

80 năm Chiến thắng phát xít: Ký ức kinh hoàng về trại tập trung Sachsenhausen - Ảnh 1.

Người dân Do Thái bị giam trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Ảnh: Getty Images

Trong số 200.000 người từ khoảng 40 quốc gia bị giam giữ tại Sachsenhausen và nhiều trại giam vệ tinh khác từ năm 1936 - 1945, thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, hàng chục nghìn người đã chết vì đói, bệnh tật, bị ngược đãi, bị lấy làm thí nghiệm y tế và lao động cưỡng bức. Chỉ riêng mùa Thu năm 1941, ít nhất 10.000 tù nhân chiến tranh Liên Xô, trong đó có nhiều người Do Thái, đã bị sát hại trong một phòng hành quyết được thiết kế đặc biệt hoặc bị đầu độc bằng khí độc trên những chiếc xe tải cải tiến.

Nằm ngay gần thủ đô Berlin, Sachsenhausen đóng "vai trò đặc biệt" đối với Đức Quốc xã như một mô hình và trại huấn luyện. Kể từ năm 1938, cơ quan quản lý của toàn bộ hệ thống trại tập trung đều đặt tại đây. Một trong những tên Quốc xã tàn độc nhất ở Sachsenhausen là Rudolf Höss, người sau này trở thành chỉ huy của trại tập trung khét tiếng Auschwitz, cũng do Đức Quốc Xã dựng lên tại Ba Lan, quốc gia bị Đức thôn tính trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Rudolf Hoss bị hành quyết như một tội phạm chiến tranh vào năm 1947.

80 năm Chiến thắng phát xít: Ký ức kinh hoàng về trại tập trung Sachsenhausen - Ảnh 1.

Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng tại Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức, ngày 9/5/1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cuối tháng 4 này nhân kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng Sachsenhausen, 6 nạn nhân sống sót, gồm 3 phụ nữ và 3 đàn ông, sẽ trở về trại tập trung này. Họ, những thanh thiếu niên, thậm chí chưa đủ tuổi thành niên, khi bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen hoặc một trong những trại vệ tinh vào những năm cuối của chiến tranh, chính là những nhân chứng sống của một thời kỳ đen tối. Ông Mykola Urban - nhân chứng lớn tuổi nhất trong số này, sinh năm 1924 tại Ukraine - chia sẻ đây là lần đầu tiên ông tham gia lễ tưởng niệm. Ông nhớ lại: "Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tôi bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen năm 1942. Tại trại vệ tinh Falkensee, tôi đã bị bóc lột và cưỡng bức lao động. Ngay trước khi chiến tranh kết thúc, tôi trốn thoát cùng 2 người đồng hương. Chúng tôi đã gia nhập một trung đoàn của Hồng quân Liên Xô và tham gia vào trận chiến giành Berlin vào tháng 5/1945".

Đối với ông Urban và những nhân chứng sống lớn tuổi khác, chuyến trở về Sachsenhausen lần này có thể là chuyến viếng thăm cuối cùng của họ. Giám đốc Quỹ tưởng niệm Brandenburg, Axel Decroll, xúc động chia sẻ: "Hầu hết những người sống sót sau trại tập trung đều đã qua đời. Đối với chúng tôi, đây thật sự là một mất mát lớn".

80 năm Chiến thắng phát xít: Ký ức kinh hoàng về trại tập trung Sachsenhausen - Ảnh 2.

Tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh trong trại tập trung phát xít tại thành phố Vyazma, tỉnh Smolensk. Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN

Ông Decroll cho biết, để giúp mọi người có cái nhìn đúng về lịch sử các trại tập trung trước đây như Sachsenhausen hay trại tập trung dành cho phụ nữ Ravensbrück, ngày nay, nhiều trung tâm tưởng niệm đã sử dụng nghệ thuật, âm nhạc và hội thảo để phần nào tái hiện lại lịch sử chiến tranh. "Điều này rất quan trọng vì ngoài các hình thức giảng dạy và triển lãm truyền thống, văn hóa sẽ là cầu nối, phá vỡ rào cản và tiếp cận mọi người từ góc độ mà họ thực sự quan tâm", ông nói.

Bà Katrin Grüber, cháu gái một tù nhân ở Sachsenhausen và là Chủ tịch Hiệp hội hỗ trợ khu tưởng niệm và bảo tàng tại trại tập trung này, cho biết: "Không chỉ những nhân chứng sống mà cả những đứa trẻ sinh ra sau này, khi nghe lại những bài hát do tù nhân trại tập trung sáng tác thì đều vô cùng xúc động". Theo bà, "những bài hát đó giúp người nghe hình dung ra một thời kỳ lịch sử".

Ông nội của bà Katrin Grüber là Heinrich bị đưa đến Sachsenhausen vào năm 1940 và sau đó đến trại tập trung Dachau. Ông là một mục sư và là thành viên của Giáo hội Xưng tội, một tổ chức đối lập với Đức Quốc xã thời bấy giờ. Bà Katrin Grüber cho biết đã rất may mắn khi được biết ông nội của mình trước khi ông mất năm 1975.

Qua những câu chuyện về lịch sử gia đình, bà Katrin Grüber biết rằng ông nội Heinrich đã đoàn kết với những người bạn tù trong trại tập trung và dù có lúc đã rất cận kề cái chết, ông vẫn được các bạn tù cứu sống. "Đó là những ký ức buồn nhưng tôi sẽ mãi trân trọng tính nhân văn trong mỗi câu chuyện", bà Katrin Grüber nói. Bà bày tỏ mong muốn sẽ kể lại cho các thế hệ sau này về sự thật cũng như lịch sử đen tối một thời ở Sachsenhausen.

Phương Hoa - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm