Suy thận mạn & chạy thận nhân tạo - Những điều cần biết (Phần 1)

08/06/2017 11:41 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Tổng quát

- Suy thận mạn là sự giảm dần độ lọc cầu thận (3 hay 6 tháng cho đến nhiều năm) và không hồi phục toàn bộ chức năng của thận: rối loạn nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, ứ đọng các sản phẩm azote máu…

Người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế, bao gồm thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận. Trong đó thận nhân tạo được áp dụng phổ biến nhất.

-Thận nhân tạo là thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể có lưu lượng máu từ 200 - 250 ml/phút thời gian kéo dài từ 3 – 4 giờ/ lần lọc máu và từ 2-3 lần/ tuần

2. Điều trị suy thận mạn

2.1. Nguyên tắc điều trị: điều trị nội khoa bảo tồn và lọc máu ngoài thận chạy thận nhân tạo)

2.1.1. Điều trị nội khoa bảo tồn

Với mục đích làm chậm tiến triển của STM, dự phòng hoặc điều trị các biến chứng để giữ bệnh nhân trong tình trạng tim mạch, xương khớp và dinh dưỡng tốt khi họ bắt đầu điều trị lọc máu hay ghép thận.

+ Chế độ ăn: cần cung cấp chế độ ăn đủ dinh dưỡng, tránh tình trạng suy dinh dưỡng để hạn chế dị hóa đạm.

+ Thuốc điều trị

. Thuốc hạ áp: cần đạt mục tiêu vì suy thận vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của THA, điều trị thuốc hạ áp loại có tác dụng bảo vệ thận giúp làm chậm tiến triển của bệnh thận, làm giảm nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân STM.

. Thuốc lợi tiểu: sử dụng nhóm tác động lên quai Henle như Furosemid, Bumetanide đường uống hoặc đường tiêm với liều cao tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng.

. Nhóm thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm giãn động mạch nên có lợi cho tưới máu thận, có tác dụng bảo vệ thận và bảo vệ tim cũng như mạch máu.

. Điều trị thiếu máu: cần kiểm soát các yếu tố làm nặng thêm tình trạng thiếu máu như xuất huyết, thiếu sắt, acide folic, hiện nay Erythtropoietin tái tổ hợp (EPO) được sử dụng có hiệu quả tốt và được chỉ định khi Hemoglobin xuống dưới 10g/dL và giữ duy trì Hb trong khoảng 11-12g/dL, chỉ định truyền máu khi thiếu máu nặng (Hct <16%) hoặc mất máu cấp tính

. Phòng ngừa và điều trị loãng xương.

2.1.2. Điều trị bằng lọc máu ngoài thận

Chỉ định:

- Suy thận mạn với GFR < 10 ml/phút hay sớm hơn (< 15 ml/phút) ở bệnh nhân tiểu đường.

- Hoặc ở giai đoạn sớm hơn khi bệnh nhân có những chỉ định cấp cứu đe dọa tính mạng:

+ Tăng Kali máu không đáp ứng điều trị nội khoa

+ Toan chuyển hóa (khi việc dùng Bicarbonate có thể gây quá tải tuần hoàn).

+ Quá tải thể tích không đáp ứng với điều trị lợi tiểu.

+ Hạ Na+ có triệu chứng (< 120 mEq/l)

+ Viêm màng tim, biểu hiện bệnh não, chảy máu trầm trọng do hội chứng urê huyết cao.

+ Thoái dưỡng tăng cao: Creatinine tăng > 2mg%/ ngày, BUN tăng> 30 mg%/ngày

2.1.3. Nguyên lý ứng dụng trong thận nhân tạo

Dựa vào hiện tượng khuếch tán phân tử đi từ nơi có nồng độ cao (máu bệnh nhân) sang nơi có nồng độ thấp (dịch lọc), máu và dịch sẽ đi ngược chiều nhau qua màng bán thấm. Ngoài ra việc loại bỏ nước ra khỏi cơ thể cần đặt một áp lực âm ở phía đầu dịch lọc tạo ra một lực hút xuyên qua màng lọc kéo theo các chất thải hòa tan trong nước, giúp đào thải các chất tồn dư trong máu như urê, creatinin, cân bằng nước điện giải và kiềm toan. Sự trao đổi các chất hòa tan và nước giữa hai bên màng được thực hiện theo hai cơ chế cơ bản là khuyếch tán và siêu lọc .

+ Cơ chế khuyếch tán: các chất hòa tan dịch chuyển qua hai phía của màng bán thấm dưới ảnh hưởng của chênh lệch nồng độ, cường độ trao đổi chất phụ thuộc vào hệ số khuyếch tán của chất đó qua màng và trở kháng của máu, màng lọc và dịch lọc máu. Tốc độ trao đổi một chất phụ thuộc vào trọng lượng phân tử chất đó, trọng lượng phân tử càng nhỏ thì trao đổi càng nhanh. Các chất có trọng lượng phân tử nhỏ hơn 5000 dalton (như urê, creatinin) có thể trao đổi qua màng dễ dàng, các chất có trọng lượng phân tử lớn hơn như cyanocobalamin (Vitamin B12) khó vận chuyển qua màng hơn.

+ Cơ chế siêu lọc: nước trao đổi qua hai bên màng bán thấm nhờ ảnh hưởng chênh lệch của áp lực thủy tĩnh, khối lượng vận chuyển phụ thuộc vào hệ số trao đổi chất qua màng và áp lực xuyên màng.

2.2. Qui trình lọc máu

* Dụng cụ sử dụng trong lọc máu

2.2.1. Màng lọc

Màng lọc sợi hay màng lọc mao dẫn được dùng phổ biến, màng lọc mao dẫn được cấu tạo từ 10.000 - 15.000 sợi rỗng, mỗi sợi có đường kính từ 200µm đến 500µm, máu chảy trong lòng các sợi rỗng, còn dịch lọc chảy ngược chiều phía ngoài màng lọc trong khoang dịch. Đa số màng lọc polymer tổng hợp là màng lọc high-flux, màng lọc có độ thẩm thấu cao cho phép các chất hòa tan dưới áp lực thủy tĩnh đi qua màng với tốc độ lớn hơn đồng thời cho phép các phân tử lượng loại trung bình 1500-5000 dalton khuyếch tán qua màng nhanh hơn. Có nhiều loại màng lọc máu như màng Cellulose, màng polysulfon.

Chú thích ảnh
Cấu tạo của màng lọc máu

2.2.2. Dịch lọc máu và nước sử dụng trong lọc máu

- Dịch lọc máu bao gồm nước và các chất điện giải có nồng độ tương đương điện giải trong máu người bình thường, dịch lọc là yếu tố quan trọng trong kỹ thuật lọc máu vì nó tiếp xúc trực tiếp với máu bệnh nhân. dịch lọc chủ yếu là dịch bicarbonate.

- Dung dịch thẩm phân máu đậm dặc HD-1A (hemodialysat-1 acide) và HD-1B (hemodialysat-1 baze) (acid và bicarbonate), pha loãng theo tỉ lệ: HD-1A 1 thể tích, HD-1B 1,83 thể tích, nước tinh khiết 34,0 thể tích. Sau pha loãng được dung dịch thẩm phân có nồng độ áp lực thẩm thấu là 290,9 mOsm/L và thành phần điện giải như sau:

Chú thích ảnh

- Nước sử dụng trong lọc máu: nước dùng để pha dịch lọc máu cần phải xử lý qua hệ thống lọc bao gồm: vi lọc - làm mềm nước - than hoạt tính - thẩm thấu ngược để loại bỏ vi khuẩn và khoảng 90% các ion hòa tan trong nước nhằm đáp ứng những yêu cầu sau:

+ Không làm thay đổi thành phần và tính chất hóa, lý của dịch lọc sau khi pha loãng.

+ Không có độc tố hóa, lý như kim loại nặng thủy ngân, đồng, chì; các chất vô cơ như nhôm, Clo; các chất hữu cơ như nitrat, ammoniac

+ Đạt tiêu chuẩn về mặt vi khuẩn và chí nhiệt tố, nước dùng để pha dịch lọc máu không quá 200 vi khuẩn toàn phần/1ml.

2.2.3. Máy lọc máu (máy thận nhân tạo)

Gồm hai hệ thống chính là

Hệ thống pha trộn dịch lọc và hệ thống bơm hút máu tạo ra vòng tuần hoàn ngoài cơ thể,

Hệ thống kiểm tra và báo động nhiều thông số sinh học nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân như: báo nhiệt độ, hệ thống cảnh báo khí, hệ thống phát hiện vỡ màng lọc máu, hệ thống kiểm tra nồng độ điện giải dịch lọc.

2.2.4. Vòng tuần hoàn ngoài cơ thể

Có thể tiến hành lọc máu theo đường tĩnh mạch - tĩnh mạch, động mạch - tĩnh mạch, đối với các bệnh nhân đã lọc máu định kỳ sẽ được tạo các shunt động mạch - tĩnh mạch (AVF: Arteo-Venuos-Fistula) để lọc máu lâu dài.

2.2.5. Chống đông máu

Sử dụng heparin thường hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp như Fraxiparin, Lovenox để chống đông khi lấy máu ra khỏi cơ thể vào trong hệ thống lọc.

(còn tiếp)

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm