Sau lăng mộ Tào Tháo, mộ các ‘kẻ thù’ Lưu Bị và Tôn Quyền tiếp tục bị 'săn lùng'

13/04/2018 13:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi tiến hành khai quật lăng mộ mà các nhà khảo cổ tin đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của Tào Tháo, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, giờ họ tiếp tục "săn lùng" lăng mộ của các “đối thủ” Lưu Bị và Tôn Quyền trong bối cảnh các lăng mộ này vẫn đang là điều bí ẩn hàng ngàn năm qua.

Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn lực lượng Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống cách đây 1.800 năm.

Chú thích ảnh
Chân dung Tào Tháo trong một tác phẩm

Song hiện tên tuổi của 3 nhân vật này vẫn rất nổi tiếng ở Trung Quốc và nhiều nước hải ngoại do vai trò xuất chúng của họ được mô tả trong tiểu thuyết kinh điển thế kỷ 14 Tam quốc chí (Romance of the Three Kingdoms) cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.

Khi nhà Hán sụp đổ, Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền có nhiều năm giao tranh và cuối cùng chia đất nước thành 3 nước chư hầu riêng biệt.

Hồi cuối tháng trước, các chuyên gia thuộc viện Di Sản Văn hóa & Khảo cổ tỉnh Hà Nam đã kết luận rằng di cốt của một người đàn ông, qua đời ở tuổi ngoài 60, được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ trong tỉnh là của Tào Tháo, nhân vật xuất chúng trong thời Tam Quốc (220-280).

Nơi tọa lạc lăng mộ của Tào Tháo từng là một bí ẩn trong nhiều thế kỷ, cho đến năm 2009, các chuyên gia tìm thấy một bài vị trong một ngôi mộ ở làng Gaoxixue thuộc huyện Anyang, tình Hà Nam, trong đó ghi đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của Ngụy Vương.

Chú thích ảnh
Tiến hành khai quật tại di chỉ được cho là lăng mộ Tào Tháo

Khai quật tại di chỉ này, các chuyên gia nhận thấy con trai Tào Tháo là Tào Phi đã xây dựng một lăng mộ lớn nhằm bày tỏ niềm tôn kính ông. Như vậy, Tào Phi đã trái lệnh cha bởi khi còn sống Tào Tháo cấm không được xây dựng nơi chôn cất hoành tráng.

Bí ẩn hơn nữa, cấu trúc này sau đó đã bị tháo dỡ, có lẽ theo lệnh của Tào Phi với lo ngại rằng đây sẽ là mục tiêu của bọn đột nhập mộ hoặc kẻ thù của ông.

Sau nhiều năm khai quật tại di chỉ này, các nhà khảo cổ đã tin rằng di cốt trong ngôi mộ chính là của Tào Tháo.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào tháng 12/2009, Giám đốc ủy ban học thuật của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc là Liu Qingzhu đã mô tả một số chi tiết về mộ: diện tích của mộ là 740m2, có gồm hai ngăn.

Các chuyên gia còn phát hiện ba quan tài chứa thi hài của một nam giới ở độ tuổi 60 (Tào Tháo qua đời khi 66 tuổi) và hai phụ nữ. Đồng thời, các chuyên gia cũng tìm thấy văn bia và một dòng chữ, mang nội dung ám chỉ Tào Tháo.

Theo Tân Hoa Xã, các nhà khảo cổ đã khai quật được hơn 250 đồ vật làm bằng vàng, bạc, gốm. Cũng theo ông Liu, họ đã đào được 59 đĩa đá khắc tên và số lượng của những đồ vật trong mộ, trong số đó có 7 chiếc đĩa ghi tên của những vũ khí mà "Ngụy vương thường sử dụng". Các nhà khảo cổ còn khai quật được rất nhiều bức tranh tạc trên đá.

Theo Hao Benxing - giám đốc Viện Khảo cổ Hà Nam - ngôi mộ cũng khá đơn giản. Trong mộ có những bức vách không có tranh, đồng thời so với nhiều lăng mộ đế vương khác, số đồ vật được chôn theo cũng ít hơn. Ngoài ra, ngôi mộ có vị trí trùng khớp với ghi nhận trong sử sách thời của Tào Tháo.

Chú thích ảnh
Hình ảnh tại di chỉ lăng mộ được cho là của Tào Tháo

Di sản của Tào Tháo là đề tài tranh cãi trong gần 2.000 năm qua. Ông là chính trị gia đầy hoài bão, người đã thống nhất phương Bắc và lập nên nước Ngụy, đồng thời còn là một nhà thơ, nhà thư họa xuất chúng.

Tuy nhiên, trong nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, Tào Tháo bị mô tả là một nhân vật xảo quyệt, mưu mô, một kẻ bất trung. Trong Kinh kịch, Tào Tháo thường được mô tả là một nhân vật có gương mặt trắng, qua đó muốn bộc lộ ông là một kẻ bội bạc, xảo quyệt.

So với Tào Tháo, Lưu Bị được mô tả là người nhân từ và công bằng. Lưu Bị sinh ra trong một gia đình nghèo, mặc dù ông xưng mình là con của một vị qua đời Hán.

Những năm đầu đời, Lưu Bị phải làm giày cỏ, chiếu cỏ kiếm sống trước khi được làm quan trong triều đình. Dù không có khả năng chính trị và văn học xuất chúng của Tào Tháo, song Lưu Bị được tin là có khả năng quy tụ người hào kiệt, các quan và tướng lĩnh phục vụ mình và lập nên nước Thục ở Tây Nam Trung Quốc.

Trong văn học, Tôn Quyền ít được chú ý hơn Tào Táo và Lưu Bị, song từ người anh trai của mình ông được thừa hưởng các vùng giàu tài nguyên. Ông kế vị cha Tôn Kiên và anh Tôn Sách, trở thành vị quân chủ đầu tiên của nước Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Thời đại Tam Quốc, so với những chư hầu Tào Ngụy và Thục Hán thì Tôn Quyền khi thống lĩnh Đông Ngô luôn giữ vị thế trung lập, và thỏa hiệp với cả hai bên miễn khi có lợi cho Đông Ngô. Ông ít khi có ý định chinh phục hoàn toàn các đối thủ của mình, theo nhiều sử gia đánh giá vì cơ sở hậu cần không vững để Tôn Quyền thực hiện ý định đó.

Chú thích ảnh
Chân dung Lưu Bị qua một tác phẩm

Trong những người đặt nền móng bá chủ Tam Quốc như Tào Tháo và Lưu Bị, Tôn Quyền là người có thời gian trị vì lâu nhất. Sau khi ông qua đời, Đông Ngô cũng từ đó suy thoái theo do những người kế vị không đủ năng lực.

Theo các chuyên gia, bất cứ cuộc tìm kiếm nào liên quan đến các ngôi mộ của Lưu Bị và Tôn Quyền đều bị cản trở do thiếu bằng chứng, mặc dù trong một số truyền thuyết dân gia có một số hướng dẫn. Hiện có ít nhất 3 dữ liệu về nơi chôn cất Lưu Bị.

Theo tiểu thuyết Tam quốc chí, Lưu Bị được chôn cất tại Thành Đô, thủ phủ của nước Thục và nay là tỉnh Tứ Xuyên.

Khoảng cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 năm 223, bệnh tình của Lưu Bị nguy kịch. Giữa tháng 6 (sử ghi ngày 24 tháng 4 âm lịch) năm 223, Lưu Bị qua đời tại cung Vĩnh An. Khoảng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 năm đó, linh cứu của ông được an táng tại Huệ lăng, Thành Đô.

Nhưng nhiều chuyên gia không đồng tình với miêu tả này và nêu Lưu Bị qua đời vào mùa Hè ở huyện Fengjie hiện thuộc Trùng Khánh, cách Thành Đô hơn 600km.

Như vậy, nếu đưa thi hài ông từ Trùng Khánh tới Thành Đô phải vận chuyển bằng đường nước mất một tháng và như thế thi hài ông sẽ bị phân hủy do thời thiết nóng, ẩm.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia tin rằng Lưu Bị được chôn cất ở nơi ông qua đời, gần bờ sông Dương Tử.

Chú thích ảnh
Chân dung Tôn Quyền qua một miêu tả

Người ta còn cho rằng mộ của Lưu Bị tọa lạc ở núi Muma thuộc huyện Bành Sơn, cách Thành Đô 60km về phía Nam. Theo tư liệu này, núi Muma được bao quanh với 9 quả đồi, tạo thành hình một bông hoa sen. Yếu tố tự nhiên này đã khiến nơi đây được chọn làm nơi chôn cất các thành viên hoàng tộc.

Mặc dù chưa có ngôi mộ cổ nào được phát lộ ở ngọn núi này, song các nhà chức trách địa phương đã đưa núi Muma vào danh sách các di sản được bảo vệ từ thập niên 1980 và tờ West China City News đưa tin nơi này thường xuyên là mục tiêu của bọn trộm mộ.

Tìm kiếm lăng mộ của Tôn Quyền nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn khi có một số tư liệu lịch sử nêu rằng ông được chôn ở núi Meihua, gần Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, tuy nhiên nơi tọa lạc chính xác thì chưa được biết.

Hồi đầu những năm 2000, các nhà chức trách địa phương đã cử một nhóm khảo cổ tìm kiếm lăng mộ Tôn Quyền. Nhóm khảo cổ này được trang bị thiết bị khảo sát từ tính. Họ đã tìm thấy một đường hầm ngầm lớn và tin rằng đó là đường dẫn tới nơi chôn cất. Song cuộc nghiên cứu này chỉ dừng lại ở đó khi giới chức không cho phép khai quật tại di chỉ này.

Tào Tháo: Gian hùng hay anh hùng?

Tào Tháo: Gian hùng hay anh hùng?

Tào Tháo một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, hình ảnh của ông gắn liền với những cuộc chiến lẫy lừng, một người mưu tài trí lược nhưng dã tâm tựa trời. Hình ảnh của Tào Tháo luôn bị cho là một nhất đại gian hùng.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm