Iraq - 'cối xay thịt' các nhà báo 25 năm nay

04/02/2016 11:58 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Hiệp hội các nhà báo quốc tế (IFJ) ngày 3/2 công bố báo cáo thường niên cho biết ít nhất 2.297 nhà báo và những người làm truyền thông đã thiệt mạng trong 25 năm qua và Iraq là quốc gia ghi nhận con số thương vong lớn nhất.

Thông báo của IFJ nêu rõ các nhà báo đã phải lìa bỏ mạng sống khi trở thành những mục tiêu ám sát, hoặc tử nạn trong các vụ tấn công bằng bom, các vụ bắn tỉa hoặc bị bắt cóc trong các cuộc chiến và các cuộc xung đột có vũ trang trên toàn cầu. Nhiều nhà báo khác thiệt mạng dưới tay những tên trùm tội phạm có tổ chức.

Nhà báo Mỹ, James Foley đã bị IS sát hại tại Trung Đông

Cũng theo thống kê của IFJ, mặc dù ít hơn so với con số đỉnh điểm 155 người thiệt mạng hồi năm 2006, nhưng trong năm ngoái cũng đã có 112 nhà báo và các chuyên gia truyền thông bị sát hại. Hai quốc gia Iraq và Syria đứng đầu danh sách các khu vực nguy hiểm nhất đối với “người cầm bút” trong năm nay, với 11 nhà báo thiệt mạng ở Iraq và 10 người khác tại Syria, theo RSF.

Trong 25 năm, các quốc gia có số nhà báo thiệt mạng cao nhất gồm Iraq (309 người), Philippine (146 người), Mexico (120), Pakistan (115), LB Nga (109), Algeria (106), Ấn Độ (95)…

Kể từ năm 1990, châu Á Thái Bình Dương là khu vực ghi nhận con số thương vong lớn nhất với 571 nhà báo thiệt mạng, kế đến là Trung Đông với 473 người, châu Mỹ 472 người, châu Phi 424 người và châu Âu 357 người.

Ayman-al-sahili, phóng viên quay phim của Reuters bị một kẻ bắn tỉa bắn vào chân khi tác nghiệp chiến trường Aleppo (Syria). Ảnh: Reuters

IFJ nhận định rằng việc không điều tra triệt để các vụ sát hại và các cuộc tấn công nhằm vào đội ngũ những người làm truyền thông (chỉ 1/10 số vụ bị điều tra) sẽ chỉ càng làm gia tăng tình trạng bạo lực nhằm vào "những người cầm bút".

Thông qua báo cáo này, IFJ kêu gọi các quan chức chính phủ, các nhân viên an ninh, giới chức quân đội và nhiều lực lượng chức năng khác của các nước hãy lên tiếng và có hành động bảo vệ các nhà báo. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng hối thúc chính phủ các nước tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế bằng cách điều tra triệt để những vụ giết hại các nhà báo, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực trong tương lai.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm