70 năm Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2016): Thách thức đi tìm chỗ đứng

27/03/2016 13:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Được khai sinh từ “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền thể thao cách mạng Việt Nam đã có 70 năm đồng hành cùng đất nước, dân tộc qua từng giai đoạn lịch sử.

Những thành tựu là không thể phủ nhận, nhưng những thách thức cũng chưa hề dừng lại mà thách thức lớn nhất cho Thể thao Việt Nam (TTVN) ở tuổi 70 chính là - ĐI TÌM CHỖ ĐỨNG!

Đứng đâu trên bản đồ thể thao quốc tế?

 Thể thao được hiểu nghĩa hiện đại thực ra đã xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 khi theo chân người Pháp là các môn như: bóng đá, xe đạp, quyền Anh... Nhưng một nền thể thao hiện đại thực sự của người Việt chỉ thực sự hình thành sau ngày đất nước giành độc lập. Và lật lại những trang sử cũ, khá thú vị là TTVN từng có vị trí khá cao trên bản đồ thể thao quốc tế, thậm chí là còn cao hơn cả lúc này nếu nhìn vào từng môn đấu cụ thể.

Ấn tượng nhất là thập niên 50-60 của thế kỷ 20, khi ấy dù đất nước còn chia cắt, nhưng thể thao của cả 2 miền theo nhận định chung là tiệm cận với mặt bằng châu lục, thậm chí có môn cũng tới tầm thế giới. Ở miền Bắc, các tuyển thủ bơi, điền kinh... giành HCV Ganefo (Đại hội thể thao các nước đang trỗi dậy); xạ thủ súng ngắn nam Trần Oanh còn phá kỷ lục cả thế giới; thể thao miền Nam nhiều lần tham dự Olympic; các môn như xe đạp, bóng bàn, quần vợt... giành những ngôi đầu tại giải vô địch châu Á, ASIAD... hay như Võ Văn Bảy, cây vợt đầu tiên của Việt Nam và tới thời điểm này cũng là duy nhất thi đấu ở nội dung đơn nam giải quần vợt Pháp mở rộng năm 1954.


TTVN cần nhiều hơn những Ánh Viên để nâng cao vị thế trên đấu trường quốc tế

Bóng đá thời điểm đó cũng chẳng là ngoại lệ. Đội tuyển miền Bắc với nòng cốt là Trường Huấn luyện có những trận đấu để đời với Tuyển trẻ Liên Xô, CLB Bát Nhất... đội tuyển miền Nam từng xếp hạng 4 châu Á và đương nhiên là vượt tầm khu vực với tấm HCV SEA Games đầu tiên trên đất Thái Lan là minh chứng.

Vậy lúc này, TTVN đứng đâu trên bản đồ thể thao quốc tế? Một câu hỏi dễ để trả lời nếu cứ căn cứ vào thành tích huy chương. Tại khu vực lấy SEA Games là thước đo - chúng ta đứng trong Top 3; Tương tự với châu lục thông qua ASIAD gần nhất năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) là hạng 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Còn thế giới là Olympic 2008 với tấm HCB của VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn đưa đoàn Việt Nam lên hạng 70.

Tuy nhiên, "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" mới chỉ là những điều kiện cần mà chưa đủ để đánh giá chuẩn sức mạnh của cả nền thể thao quốc gia. Có những môn đấu chạm tới trình độ châu Á, thế giới, nhưng không khó để nhận ra, vể tổng thể TTVN mới chỉ đứng tầm khu vực mà thôi.

Đứng đâu trong mặt bằng xã hội?

Con đường tìm chỗ đứng ở châu lục, thế giới thì vẫn còn rất dài, nhưng đó chưa hẳn là thách thức lớn với TTVN nếu so với con đường tìm chỗ đứng ngay trong mặt bằng xã hội hiện nay. Tác dụng tích cực của thể thao với sức khỏe, thể chất con người với sự phát triển của một quốc gia đã được Hồ Chủ tịch nhấn mạnh trong “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người cách đây tròn 70 năm - DÂN CƯỜNG THÌ NƯỚC THỊNH. Tuy nhiên, để đặt thể thao vào một vị trí xứng đáng lại là điều chưa có được mà với những người trong giới thể thao, bằng chứng rõ nhất là những cuộc "sáp nhập", đổi tên kéo dài trong suốt 7 thập kỷ qua.



Theo nhận định chung của các nhà quản lý thể thao, chính sự mất định thường xuyên của tổ chức, bộ máy đã để lại hậu quả lớn không chỉ về tâm lý mà cả về hiệu quả hoạt động của toàn ngành, từ con người đến cơ sở vật chất cũng như chiến lược, quy hoạch phát triển...

Nhưng bên cạnh những nguyên nhân khách quan ấy còn là những nguyên nhân chủ quan từ chính nội tại của TTVN. Thực tế lúc này, TDTT vẫn là một trong những ngành phụ thuộc nhiều nhất vào ngân sách, sự đầu tư của nhà nước.

Từ bài học Sharapova nghĩ về công tác phòng chống doping của thể thao Việt Nam

Từ bài học Sharapova nghĩ về công tác phòng chống doping của thể thao Việt Nam

Những câu chuyện liên quan tới doping không chỉ trở nên nóng bỏng với làng thể thao thế giới trong những ngày vừa qua mà với thể thao Việt Nam (TTVN) vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong nước.


Tâm lý "đầu tư đến đâu, huy chương tới đó" vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít cán bộ ngành.  Thể thao chuyên nghiệp - hay đúng hơn là một nền thể thao biết phát huy, tận dụng các nguồn lực từ xã hội vẫn chưa thực sự hình thành, hoặc có (như bóng đá) mới chỉ là hình thức. Thể thao quần chúng cũng chưa thực sự hướng tới mục tiêu quan trọng nhất - nâng cao sức khỏe, thể chất và trở thành nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội.

Và không hề là quá lời khi nói rằng, nếu TTVN không tự mình tìm được chỗ đứng xứng đáng ngay trong mặt bằng xã hội, thì chuyện tìm chỗ đứng cao hơn trên bản đồ thể thao quốc tế e còn dài. Nói thách thức là như vậy.

Bạn có biết?

Ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.

“Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng. Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.

Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946. Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27/3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm.


Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm