70 năm ngày Thể thao Việt Nam: Cường quốc thể thao không hẳn là cường quốc kinh tế

26/03/2016 06:20 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Các cường quốc về kinh tế luôn đặt thể thao ở một vị trí quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng có những quốc gia đang phát triển vẫn tập trung đầu tư về thể thao và gặt hái những thành công tột bậc.

Đó là lý do mà trong số 10 nước có thành tích tốt nhất ở Olympic London 2012 thì bên cạnh việc có 7 quốc gia đồng thời nằm trong Top 10 những nền kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức,... còn có cả Hungary, Australia và Hàn Quốc.

Nhưng nếu ai đó cho rằng ba nước ngoại lệ nói trên thực ra có hai vẫn nằm trong Top 20 nền kinh tế giới giới (Hàn Quốc và Australia) thì trong Top 20 nước dẫn đầu bảng tổng sắp Olympic vẫn có cả Cuba (16), Iran (17) và Triều Tiên (20) – những quốc gia mà xét về lý thuyết không có những điều kiện lý tưởng để tập trung phát triển thể thao.  

Cũng không cần chờ sự mổ xẻ như trong cuộc Hội thảo về Khoa học Thể thao mới đây, chúng ta có thể nhận thấy ý nghĩa lớn lao mà thể thao mang lại cho xã hội, cộng đồng và từng cá thể. Năm 1946, trong “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì nước thịnh...". Còn thể thao đỉnh cao tạo ra danh dự, tự hào, nâng cao tinh thần dân tộc qua thành tích, và nói theo ngôn ngữ hiện nay còn là một phần của quyền lực mềm của nhiều quốc gia.

Có một điểm chung trong các nước có thành tích thể thao hàng đầu là dù có sự khác biệt trong hình thức, nhưng đó đều là kết quả của sự đầu tư mạnh mẽ và một nhận thức rõ ràng về thể thao. Cũng phải nói thêm là đầu tư cho thể thao phong trào, học đường mang tính nền tảng thì đầu tư cho thể thao đỉnh cao là then chốt.

Chẳng hạn, ở Olympic 2008, Mỹ đã đầu tư tới 2,78 triệu USD (khoảng 60 tỉ đồng) cho đội tuyển Taekwondo và sau đó giành 1 HCB và 2 HCĐ. Số tiền nói trên nhiều gấp rưỡi so với tổng số ngân sách đầu tư trọng điểm mà ngân sách rót qua TTVN đầu tư cho chiến dịch đưa tới Olympic khoảng 10 VĐV của 5 môn và 30% trong số đó phấn đấu giành huy chương

Hoặc nếu chúng ta đang đầu tư cho Ánh Viên khoảng 4-4,5 tỉ đồng để kình ngư 20 tuổi này tới Brazil tạo nên một kỳ tích nào đó, thì Mỹ, vốn có truyền thống và nền tảng cực mạnh về bơi cũng dự liệu sẽ phải tốn khoảng 700-800 ngàn USD/chiếc huy chương các loại.

Nhưng Mỹ không chỉ đầu tư về đỉnh cao, mà đó là kế hoạch bắt nguồn từ phong trào mà nển tảng lớn nhất của nó là học đường với ngân sách khoảng 10 tỉ USD/năm mà khoảng một nửa trong số đó là những khoản trợ cấp.

Sự thay đổi đáng mừng

Có một chi tiết đáng mừng là dự chi ngân sách cho ngành thể thao Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, từ 730 tỉ đồng năm 2015 lên 970 tỉ đồng năm 2016. Và khi mà chi ngân sách cho văn hóa thông tin có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ thì việc tăng gần 13,3% cho thể thao là một bước tiến.

Đó là một thành quả xứng đáng mà ngành thể thao đạt được sau một kỳ SEA Games chuyển hướng ngoạn mục với hơn 85% số HCV thuộc về các môn thể thao Olympic, và khoản tiền 4 tỉ đồng đầu tư cho Ánh Viên đã góp phần giúp VĐV này giành tới 8 HCV và 8 lần phá kỷ lục là bài học.

Từ bài học Sharapova nghĩ về công tác phòng chống doping của thể thao Việt Nam

Từ bài học Sharapova nghĩ về công tác phòng chống doping của thể thao Việt Nam

Những câu chuyện liên quan tới doping không chỉ trở nên nóng bỏng với làng thể thao thế giới trong những ngày vừa qua mà với thể thao Việt Nam (TTVN) vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong nước.


Nhưng nếu so với dự toán tổng chi ngân sách năm 2016 (hơn 827 ngàn tỉ), thì tỉ lệ dành cho thể thao mới chỉ là 0,18%, đều thấp hơn so với các nước có mặt trong nhóm 20 nước dẫn đầu Olympic mà trong đó Cuba là khoảng 2% kéo dài qua nhiều năm. Còn Triều Tiên ngân sách năm 2014 dành cho thể thao tăng 17,1% so với năm trước đó – lĩnh vực tăng mạnh nhất.

Cũng có một thực tế khác là xã hội hóa thể thao đã giúp các quốc gia tìm được những nguồn lực để phát triển, nhưng không giản đơn và nó cần được huy động một cách khéo léo. Ngân sách cho Thể thao đỉnh cao ở Nhật có 64% từ chính phủ, 25% từ xã hội hóa và 11% từ cá cược thể thao. Hàn Quốc lại có một cơ cấu khác với tỉ lệ tương ứng là 10%, 86% và 4% (theo sách Những chính sách thể thao đỉnh cao thành công).

Đó có thể là một sự tham khảo hữu ích với thể thao Việt Nam, một nền thể thao mà xã hội hóa mạnh nhất mới chỉ xảy ra ở một số môn thể thao trong đó có bóng đá, bóng chuyền, tennis, golf... Trong khi ấy, thể thao phong trào và thể thao học đường lại đang gặp thách thức lớn cả ở sự đầu tư, quỹ thời gian, cơ sở hạ tầng do nguồn lực và nhận thức.

Liệu nền giáo dục có chuẩn mực là mỗi đứa trẻ ở mẫu giáo phải dành khoảng 4 tiếng cho ăn ngủ trong khi ở Mỹ quỹ thời gian tương ứng chỉ là 2 tiếng, còn vận động và giáo dục ngoài trời là 3 tiếng đã phải là quan tâm thực sự tới thể chất?

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm