02/06/2015 05:21 GMT+7 | Thế giới
Theo cách nói vui của các phụ huynh từng cho con tham dự khóa học này thì Học kỳ quân đội đúng là nơi cho các cậu ấm, cô chiêu “nếm mùi gian khổ”.
8 tuổi “đi bộ đội”
Chị Mai (ở Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, khi chị thông báo nghỉ Hè sẽ cho cậu con trai mới 8 tuổi “đi bộ đội”, được mặc “quân phục” giống bố, đổi lại bé phải xa nhà, xa bố mẹ, xa em 10 ngày. Không do dự, cậu bé nói ngay: “Chơi luôn!”.
Và thế là từ hôm đó, đến lớp con chị luôn háo hức kể với các bạn rằng: “Tớ sắp được… đi bộ đội”. Về quê thăm ông, con cũng khoe: “Cháu sắp đi bộ đội đấy!”.
Chị Thủy (ở Phú Thượng, Hà Nội) từng cho con trai tham gia Học kỳ quân đội vào năm 2013 khi bé 9 tuổi chia sẻ rằng, chị đã phải rất khó khăn để tạm xa con trai bé bỏng trong 10 ngày, nhưng đến bây giờ nghĩ lại, chị vẫn thấy mình quyết định đúng.
Ngày đầu tiên tham gia khóa huấn luyện, chị Thủy gọi điện hỏi thăm con trai, cậu bé kiên quyết đòi về và bảo mẹ lần sau không bao giờ “đi bộ đội” nữa. “Chiều con tắm, nước lạnh ơi là lạnh, đổ cả xô vào người, sợ lắm. Ngủ thì nóng vì chẳng có điều hòa! Bé bảo thế và khóc nức nở. Cảm giác lúc đó thực không tả nổi, thương lắm, mỗi lần nghĩ lại vẫn còn thấy “rưng rưng”...’ - chị Thủy kể.
“Ở nhà, bé nhà mình rất sợ lạnh, dù mùa hè nóng bức đến đâu bé vẫn phải tắm bằng nước nóng. Ngủ đêm phải có điều hòa. Vì thế nên khi tham gia khóa huấn luyện, bé không quen. Thế rồi, mấy hôm sau gọi điện cu cậu đã cười rổn rảng, còn khoe, con đang đi sinh hoạt văn nghệ, mẹ đừng gọi nữa...”
Chị Thủy kể thêm: “Giờ thì cu cậu giúp được mẹ được khối việc, rửa bát, giặt quần áo mềm, dọn dẹp chăn màn khi ngủ dậy và… không sợ tắm nước lạnh nữa”.
Bố mẹ cũng phải tuân thủ “kỷ luật quân đội”
Việc tham gia các khóa huấn luyện Học kỳ trong quân đội là do các gia đình tự nguyện đăng ký. Nhưng để không xảy ra các tình huống “trớ trêu” vì xót con mà các gia đình nhất quyết đón con về giữa chừng, ảnh hưởng tới tâm lý của các học viên khác, BTC các khóa huấn luyện này vẫn phải “làm công tác tư tưởng” cho các bậc phụ huynh trước khi bàn giao con tại “lễ xuất quân”.
Chị Phương công tác ở một đơn vị liên kết tổ chức Học kỳ quân đội cho biết: Một trong những lý do trẻ em ở các nước khác bạo dạn, tự lập hơn là do được đào tạo về kỹ năng sống rất tốt. Những hoạt động ngoại khóa như Học kỳ quân đội hay trại Hè rất phổ biến ở nước ngoài, và để tham gia các hoạt động này, các bậc cha mẹ phải trả phí rất cao. Nhưng ở nhiều gia đình Việt Nam, có một thực tế đối với các bé trong độ tuổi 8-14 là vẫn còn được cưng… như trứng mỏng. Vì thế, việc các bậc phụ huynh lo lắng cho con mình là điều rất dễ hiểu.
Theo chị Phương, những thắc mắc đầu tiên của các phụ huynh khi tới đăng ký cho con tham gia Học kỳ quân đội là: “Sao bắt các con dậy sớm thế? Rồi chương trình cho trẻ con mà nặng hơn cả bộ đội như thế? Rồi khi con bị sốt có được đón về không?…”.
Theo quy định của BTC, các chương trình Học kỳ quân đội, học viên không được mang theo điện thoại di động, thiết bị điện tử. Bố mẹ cũng sẽ không được tự động tới thăm con trong suốt khóa học. Tuy nhiên, cũng theo BTC các chương trình học kỳ quân đội, các gia đình có thể yên tâm bởi lực lượng quân y, tình nguyện viên (là cán bộ Đoàn giàu kinh nghiệm) sẽ luôn theo sát các học viên suốt khóa huấn luyện.
Để tham gia chương trình, phụ huynh phải cam kết chấp hành các quy định của BTC, nhưng “nếu con cứ nằng nặc đòi về hoặc chẳng may con bị sốt mà gia đình lo lắng quá thì BTC cũng phải đồng ý để gia đình đón về giữa chừng thôi...”, chị Phương chia sẻ.
* * *
Ngày 11/6 tới, con trai chị Mai sẽ lên đường “nhập ngũ” theo chương trình Học kỳ quân đội - Em là chiến sĩ do Tập đoàn Viettel phối hợp Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức, dành cho khách hàng thân thiết. Bé được phát: 2 bộ quân phục, 1 mũ tai bèo, 1 đôi giày, 2 áo phông cộc tay, 1 áo phông dài tay, 2 quần thể thao, 1 ba lô cá nhân.
Theo kế hoạch, lễ giao quân sẽ diễn ra ở Lăng Bác, địa điểm huấn luyện là Trung đoàn 50, Quân khu 3, Đồ Sơn, Hải Phòng. Chị Mai mong muốn, khi đẩy con vào tình huống tự vận động, xoay xở, con sẽ ứng biến thông minh để thành chú bộ đội mạnh mẽ, vững vàng, dũng cảm - Thép đã tôi thế đấy!
An Như
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất