6 “nhà” khiếu nại 1 “nhà”

14/05/2010 11:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 12/5 vừa qua, căn cứ hồ sơ khiếu nại của 6 doanh nghiệp phát hành phim, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ra quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường trong việc phát hành phim nhập khẩu.

Tháng 3/2010, 6 doanh nghiệp chiếu phim trong nước, gồm: Công ty CP Sài Gòn Điện ảnh (Cinebox Hòa Bình), Công ty CP Điện ảnh 212 (Cinebox Lý Chính Thắng), Công ty CP truyền thông Điện ảnh Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), Công ty CP phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng 8), Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (rạp Thanh Bình và Sông Phố) đã có đơn gửi Cục Quản lý Cạnh tranh khiếu nại về các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh của Công ty TNHH Truyền thông Megastar (Megastar) trong việc phát hành phim nhập khẩu.


Megastar đang thống trị thị trường phim nhập khẩu
Theo đơn khiếu kiện, từ tháng 6/2009, Megastar bắt đầu thay đổi cơ chế “ăn chia” doanh thu bán vé và thực hiện việc áp đặt chính sách “giá thuê phim tối thiểu” trên mỗi người xem là 25.000 đồng (sau thuế). Điều đó có nghĩa là, cứ mỗi một vé xem phim được bán ra, rạp phim sẽ phải trả cho Megastar 25.000 đồng bất kể giá bán vé của rạp phim đó là bao nhiêu. Như vậy, cộng với các chi phí hoạt động khác, các rạp thuê phim của Megastar buộc phải nâng giá bán vé lên trên 50.000 đồng thì mới có thể có lợi nhuận.

Tại thời điểm đó, mức giá vé ở các rạp Dân Chủ (Hà Nội) chỉ có 20.000 đồng, rạp Cinebox (TP. Hồ Chí Minh) là 25.000 VNĐ... Vì vậy, chính sách giá thuê phim tối thiểu của Megastar bị cho là đã “trói tay” các doanh nghiệp chiếu phim trong cạnh tranh giá, đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu không chấp nhận chính sách này thì không có phim để chiếu; nếu muốn giữ nguyên giá bán vé thì bị lỗ nặng; còn nếu tăng giá thì lại mất khách.

Trong khi đó, cũng theo đơn khiếu kiện, ở những cụm rạp của mình, Megastar liên tục thực hiện hàng loạt các chính sách khuyến mại lôi kéo người xem... Không chỉ có vậy, với tư cách là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam của các nhà phát hành phim lớn trên thế giới, Megastar còn buộc các rạp chiếu phim phải chấp nhận một số điều kiện khi ký kết hợp đồng phát hành các phim gần đây như yêu cầu phải chiếu ở rạp có số lượng ghế nhiều nhất, vào những giờ nhất định và với số lượng tối thiểu do Megastar quy định trước... Ngoài ra, đối với một số rạp phim, Megastar đã từ chối ký hợp đồng phân phối các phim do mình độc quyền phân phối tại Việt Nam mà không đưa ra được bất kỳ lý do chính đáng hay hợp pháp nào...

Được biết, ngoài đơn khiếu nại nói trên, 6 doanh nghiệp còn cùng nhau ký vào “huyết tâm thư” gửi tới Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ VH,TT&DL đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc này. Hai cơ quan nói trên đã có buổi làm việc với cả hai phía. Tuy nhiên, trong khi những buổi làm việc này đều chưa có kết luận cuối cùng.

TT&VH sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ kiện hy hữu này.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm