Thế hệ các nhóm nhạc nữ K-pop mới: Không cần nhiều sexy, chỉ cần… YouTube

28/05/2016 11:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ vài năm trước, khi các nhóm nhạc “má hồng” của K-pop như Wonder Girls, 2NE1… tạo nên “cơn sốt nhóm nữ” (Girl Group Fever), hình thành một thế lực nữ quyền hùng mạnh tại K-pop và góp phần khuếch trương danh tiếng của nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc ra thế giới, thì bây giờ những thế hệ đàn em còn làm được nhiều hơn thế.

Một số nhóm nhạc nữ mới hình thành sau năm 2010, như AOA, EXID và GFriend, đang chiếm vị trí trung tâm trong làng nhạc K-pop cả ở thị trường nội địa lẫn hải ngoại. Và đáng nói, họ không cần sexy như những đàn chị nhưng danh tiếng của họ ngày càng được lan rộng nhờ vào sự phát triển rộng rãi của các trang mạng xã hội.

Không cần những chiến dịch quảng bá tốn kém

Trong số các nhóm nhạc nữ đang gặt hái thành công phải kể đến I.O.I. Nhóm nhạc này gồm 11 thành viên được chọn từ việc bình chọn của công chúng qua chương trình truyền hình thực tế Produce 101.

Theo nhiều nguồn tin, I.O.I hiện là nhóm nhạc "đắt sô" tại các liên hoan, sự kiện và chương trình truyền hình. Chỉ 2 tuần sau khi ra mắt trong tháng này, I.O.I đã ký được 10 hợp đồng quảng cáo.

Twice cũng là nhóm nhạc được hình thành từ chương trình truyền hình thực tế Sixteen. Hai đĩa đơn đầu tiên của nhóm nhạc này, gồm Like OOH-AHHCheer Up, đều thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc nội địa trong nhiều tuần.


Nhóm nhạc Twice

Với các thành viên đa quốc gia, gồm cả các cô gái Nhật Bản Momo và Sana cùng Tzuyu (Đài Loan, Trung Quốc), nhóm nhạc Twice đã đến được với khán giả quốc tế. Album mới đây của họ, Page Two, đã đứng đầu bảng xếp hạng iTunes ở 7 nước, trong khi video nhạc phẩm Like OOH-AHH đã nhận được hơn 60 triệu lượt truy cập trên YouTube.

Rõ ràng, các trang mạng xã hội quảng bá K-pop hiệu quả hơn và có ảnh hưởng hơn các phương tiện truyền thông truyền thống. Chẳng hạn, nhóm nhạc EXID trở nên "nổi như cồn" hồi năm 2014, hai năm sau khi nhóm nhạc lần đầu xuất hiện trên truyền hình, sau khi một người hâm mộ tải một video clip ghi hình ảnh thành viên Hani đang nhảy trên sân khấu.

“Giờ người ta chẳng cần phải xúc tiến những chiến dịch quảng bá tốn kém nữa" - Jung Won Jung, một chuyên gia PR thuộc Công ty I-je, khẳng định.

Người hâm mộ quốc tế giờ không chỉ đơn giản xem các video của những ngôi sao K-pop yêu thích của họ trên mạng, mà họ còn tải các video "phản ứng", tạo nên những nội dung mới được lấy từ các màn diễn của các ngôi sao.


Nhóm nhạc GFriend

Một "lò phản ứng" nổi tiếng trên mạng là Michael Johnson, người đã tải nhiều bình luận về các ca khúc K-pop lên trang YouTube cá nhân của mình, MRJKPOP. Trang này có hơn 70.000 theo dõi mỗi khi Johnson đưa thông tin mới về K-pop và đưa ra những phân tích về các khía cạnh khác nhau của ca khúc mới, từ chất lượng sản xuất tới “khái niệm” hay chủ đề của ca khúc.

Johnson tình cờ biết đến K-pop qua một chương trình quảng cáo điện thoại LG, trong đó có ca khúc Chocolate Love do nhóm nhạc Girls’ Generation và f(x) trình bày. 6 tháng sau, anh lại tình cờ nghe được một số nhạc phẩm của f(x) trên YouTube và anh bắt đầu gắn bó với K-pop từ đó.

Một trong những xu hướng nổi trội trong thế hệ mới các nhóm nhạc nữ K-pop đang nổi lên hiện nay là chú trọng tới hình ảnh trong trắng và ít "khiêu gợi" hơn. Các nhóm nhạc như GFriend, Lovelyz, CLC và LABOUM, đều ra mắt hồi năm 2014 và 2015, thường mặc đồng phục học sinh và thể hiện các giai điệu vui vẻ về tình yêu.


 Các thành viên của nhóm nhạc nữ Lovelyz với trang phục màu trắng

Một bài blog mang tựa đề "Những ý kiến về K-pop không được ưa chuộng" đã nhận được nhiều lời bình luận từ fan K-pop trên khắp thế giới, qua đó họ bàn về "hình ảnh trong trắng đầy sức thuyết phục" của Gfriend.

"Tôi rất vui mừng khi các nhóm nhạc như GFriend đang thu hút sự quan tâm của công chúng với hình ảnh đáng yêu của mình. Tôi không muốn công ty quản lý của nhóm nhạc này buộc các cô gái trẻ phải mang hình ảnh sexy" – một người viết.

"Khái niệm sexy đã trở nên bão hòa trong thị trường hallyu" – theo một nhà điều hành thuộc Công ty Plan A Entertainment, đơn vị quản lý nhóm nhạc nữ Apink.

Khi Apink ra mắt làng nhạc Hàn Quốc với ca khúc I Don’t Know hồi năm 2011, nhóm nhạc này không chạy theo xu thế mặc các trang phục gợi cảm và thể hiện những màn vũ đạo sôi động.

"Hình ảnh dịu dàng và sáng sủa của Apink đã thỏa mãn nhu cầu chưa được đáp ứng của công chúng" – nhà điều hành này nói tiếp.

Một thế hệ nhóm nhạc K-pop nữ dần khuất bóng

Hồi năm 2007, Wonder Girls đã mở màn cho xu hướng được xem là "thế hệ thứ 2" của các nhóm nhạc nữ K-pop, với ca khúc dễ nhớ Tell Me và màn vũ đạo dễ bắt chước.

Trước khi Wonder Girls ra mắt, khung cảnh K-pop trong cuối những năm 1990 đã chứng kiến sự hình thành của nhiều nhóm nhạc nữ như S.E.S, Fin.K.L. và Baby V.O.X. và đây được xem là thế hệ đầu của nhóm nhạc nữ K-pop.

Đầu những năm 2000 là sự xuất hiện của các nhóm nhạc R&B như Big Mama, SeeYa và Brown Eyed Girls. Những nhóm nhạc này chú trọng tới các kỹ thuật thanh nhạc hơn là vũ đạo và các "chiêu trò" nhằm gây thu hút về thị giác.

Sau Wonder Girls, từ năm 2007 đến năm 2009 còn có sự ra đời của các nhóm nhạc Girls’ Generation, After School, 2NE1, 4Minute, T-ara, Secret, f(x) và Rainbow. Tuy nhiên, Wonder Girls đã vắng bóng một thời gian khá dài kể từ khi giọng ca chính kiêm thủ lĩnh ban nhạc Sunye kết hôn hồi năm 2012, và thành viên Sohee rời khỏi JYP Entertainment hồi năm 2013 để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.

Năm 2011, nhóm nhạc nữ Kara thông báo họ đã chia tay công ty quản lý DSP Entertainment. Và năm 2012, thành viên Hwa Young của nhóm T-ara đã rời khỏi nhóm giữa những cáo buộc cô ngược đãi các thành viên khác.  

Một số nhóm nhạc khác cũng dần khuất bóng sau khi đã qua thời hoàng kim, như nhóm nhạc School không hề phát hành album nào từ năm 2014.

Hay các hoạt động của 2NE1 cũng ngưng trệ từ năm 2014 khi ca sĩ chính Park Bom bị cáo buộc sử dụng các chất gây nghiện bị cấm được gửi từ Mỹ. Hồi tháng trước, YG Entertainment thông báo công ty này đã chấm dứt hợp đồng với Gong Minzy.

Năm 2015, Sulli rời khỏi nhóm f(x) để chú tâm tới sự nghiệp diễn xuất. Gần đây hơn, JYP Entertainment thông báo công ty này không tái ký hợp đồng với Jia của nhóm Miss A, khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của nhóm nhạc này.

“Khi các thành viên của một nhóm nhạc trở nên đắt sô hơn thì việc duy trì một nhóm nhạc là rất khó. Tựu chung, "tuổi thọ" của một nhóm nhạc nữ chỉ kéo dài được trung bình 7 năm" - một quan chức trong nền giải trí Hàn Quốc nhận định.

Việt Lâm (theo Korea Herald)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm