40 năm TP.HCM - Nhìn ở lĩnh vực văn hóa

30/04/2015 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ Ngày chiến thắng lịch sử 30-4-1975 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đổi đời, thay da đổi thịt, viết nên những trang sử mới, kỳ tích mới. Trong bước đi lên đó, công tác văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản của Thành phố cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ, sâu sắc, đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn đi đầu và có những bứt phá trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Là mảnh đất trung tâm của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc, lịch sử Thành phố này mang bao nét bi hùng và kiêu hãnh.

Cửa ngõ để văn hóa đất nước lan tỏa ra bên ngoài

Đến nay, cùng với vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của các tỉnh, thành phía nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm văn hóa của cả nước với những nét đặc sắc. Đời sống văn hóa của Thành phố ngày càng phong phú, đa dạng thông qua việc ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; tạo ra nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, xây dựng nếp sống thị dân, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; đưa nếp sống văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng công sở, doanh nghiệp, đơn vị. Nhiều nơi trên Thành phố đã hình thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thiết chế văn hóa bằng phương thức xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm hay nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn.


PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

 Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tạo được bước chuyển quan trọng để văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, sâu rộng. Là một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi thu hút một lực lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo từ các địa phương khác đến để định cư, phát triển nghề nghiệp, nhất là trí thức, văn nghệ sĩ từ Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và cả người Việt Nam vốn định cư ở nước ngoài. Trí thức của Thành phố hiện chiếm khoảng 1/5 số trí thức của cả nước, trong đó có trên 15.000 người làm khoa học, hàng nghìn người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sự, tiến sỹ, thạc sĩ. Đây là cửa ngõ để văn hóa đất nước lan tỏa ra bên ngoài, cũng là nơi đón nhận, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trung tâm lớn của cả nước, từ sáng tác đến lý luận, quảng bá, lưu truyền.  Gần 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, văn học, nghệ thuật của Thành phố có bước phát triển mạnh mẽ cả về lực lượng, về năng lực sáng tạo. Các hội văn học, nghệ thuật đã thực hiện tốt hơn việc tập hợp văn nghệ sĩ, hướng dẫn và động viên họ bám sát thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là thực tiễn đổi mới của Thành phố, tạo được nhiều tác phẩm có giá trị

Ở lĩnh vực báo chí, xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm báo chí, xuất bản lớn, năng động, sáng tạo của cả nước. Tính đến năm 2015, thành phố đã có trên 40 cơ quan báo chí gồm Đài Truyền hình Thành phố (HTV) với nhiều kênh sóng, nhiều chương trình, chuyên đề, chuyên mục; Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố có 3 kênh sóng; Báo Sài Gòn giải phóng là tờ báo đảng bộ địa phương nằm ở top đầu. Cả thành phố có 17 báo in, 21 tạp chí, 6 báo điện tử, 255 bản tin điện tử tổng hợp, 1300 nhà báo được cấp thẻ cùng với lực lượng kỹ thuật, hậu cần, cộng tác viên và đông đảo đội ngũ phát hành báo chí. Trên địa bàn Thành phố có 137 cơ quan báo chí của Trung ương và các địa phương có phóng viên thường trú hoặc văn phòng đại diện. Phần lớn các báo, tạp chí, kênh truyền hình của cả nước đều được phát hành, phát sóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Câu thành ngữ“văn bắc, báo nam" là nói về chính thành phố này. Bằng sự năng động, sáng tạo của những người làm báo Thành phố, nhiều tờ báo ở đây  phát triển mạnh mẽ, ấn tượng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả nước. Báo Tuổi trẻ, từ một tờ tin nhỏ bé sau ngày giải phóng, rồi lớn dần thành tờ báo với tira ở mức 12.000 bản/ một tuần, nay đã vươn lên 7 kỳ/tuần, nhiều ấn phẩm, đạt lượng tira rất lớn, lúc cao nhất trên nửa triệu bản/kỳ, nay vẫn nằm top đầu của cả nước. Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh tạo nên diện mạo, dáng vóc, đặc điểm, sức ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đời sống thông tin, truyền thông của Thành phố và của cả nước. Sự phong phú, năng động, sáng tạo thường kéo theo ít nhiều sự đa chiều, sôi động và cả sự phức tạp. Nhận rõ đặc điểm lớn này để trong nhận thức, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thành phố và Trung ương cần có phương pháp, phương thức khoa học, bản lĩnh, sáng tạo.

Thành phố có 3 nhà xuất bản; 4 nhà xuất bản do Trung ương quản lý nhưng về tổ chức Đảng lại trực thuộc Thành ủy; 24 chi nhánh nhà xuất bản trung ương và địa phương; 5 văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài; 250 cơ sở in ấn; 38 công ty phát hành cấp thành phố và hàng trăm nhà sách lớn, cùng các nhà xuất bản trên cả nước, mỗi năm cung cấp hàng vạn đầu sách giá trị, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân Thành phố và cả nước.

Những nỗ lực và thành tựu mà lực lực lượng văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản của Thành phố đạt được những năm qua đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với khu vực và cả nước. Điều đó được thể hiện trong sự đánh giá, khẳng định của Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết 16-NQ/TƯ ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị: "Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước".


Quang cảnh Dinh Độc Lập chụp từ trên máy bay. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Dường như chưa xây được công trình nào đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, nhìn trên bình diện văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn một số mặt bất cập, hạn chế, cần nhận rõ để khắc phục, điều chỉnh.   

Bước vào cơ chế thị trường, sự phát triển nền văn hóa của đất nước và Thành phố vừa đa dạng, sống động, nhiều chiều, vừa có mặt phức tạp, hỗn độn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống…, tạo lực cản không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của Thành phố chặng đường phía trước.

Ở chỗ này, chỗ kia, lúc này, lúc khác, môi trường học đường, cuộc sống gia đình, quan hệ cộng đồng còn có những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất lợi. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành phụ nữ, trẻ em và nhiều tệ nạn xã hội khác có chiều hướng gia tăng. Hoạt động thể dục, thể thao từ phong trào đến thành tích cao, vốn là thế mạnh của Thành phố, cũng đang có dấu hiệu chững lại, có mặt tụt hậu. Các thiết chế văn hóa và sự hưởng thụ văn hóa, giữa nội thành và ngoại thành, giữa các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn chênh lệch khá lớn. Tình trạng đua đòi, lệch lạc, lãng phí trong cưới hỏi, tang lễ chưa được khắc phục.

Sau một thời gian đầu tư bài bản, hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa của Thành phố phát triển chậm lại, không đáp ứng qui mô và cơ cấu dân số, một số khu vực đang có dấu hiệu xuống cấp, hoạt động không hiệu quả như hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi, giải trí... Thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật đặc thù, nhất là nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hàn lâm, chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Theo ý kiến đánh giá của một số nhà nghiên cứu được tham góp trong Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5  (khóa VIII) của Thành phố, sau 40 năm giải phóng, Thành phố dường như chưa xây dựng được công trình nào đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa Thành phố hoặc đáp ứng yêu cầu giao lưu, hội nhập văn hóa, nghệ thuật quốc tế.

Văn học, nghệ thuật, bộ phận quan trọng có chức năng truyền bá và góp phần xây dựng tư tưởng, văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ, giao tiếp, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người, bên cạnh những nhân tố phát triển tích cực cũng còn không ít mặt hạn chế, tiêu cực. Tuy số lượng các sáng tác nhiều, số người tham gia sáng tác tăng lên nhưng chưa đồng hành với chất lượng. Cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội chưa là dòng chủ lưu thường trực trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tính định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhân bản, nhân văn chưa được các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản thường xuyên coi trọng. Chất lượng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được công bố chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Một số ấn phẩm, chương trình, công trình còn dành nhiều diện tích, thời lượng để đăng tải các sáng tác văn học, nghệ thuật chất lượng thấp, nghiệp dư hóa. Ở nhiều trang báo, chương trình văn hóa, văn nghệ của Thành phố đang thiếu hụt những cây bút có uy tín như trước đây, chưa quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng nhân cách, thẩm mỹ, lối sống cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.

Việc một số đài, kênh sóng truyền hình, phát thanh của Trung ương và Thành phố phát quá nhiều các chương trình nước ngoài, khai thác chương trình trò chơi, ca nhạc, phim ảnh thiếu chọn lọc góp phần “cổ súy” cho những biểu hiện lai căng, sùng ngoại trong hoạt động văn hóa, làm nhạt nhòa bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên lĩnh vực báo chí, xuất bản của Thành phố và ở Thành phố, khuynh hướng tư nhân hoá báo chí, xuất bản ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng tư nhân núp bóng nhà nước, lợi dụng chủ trương xã hội hóa, liên kết, liên doanh để ra sách, báo, kênh sóng, kinh doanh, dịch vụ truyền thông ngày càng tăng. Một số tờ báo, tạp chí, phụ san, chuyên san, mạng truyền hình cáp, đầu sách... bị cơ quan báo chí, xuất bản  "bán cái", bán sóng, bán kênh, bán giấy phép, để phía đối tác chi phối hoặc thao túng nội dung thông tin.  Tình trạng đó kéo theo nhiều hệ lụy, nguy hại, thậm chí nguy hiểm về nội dung, về chính trị tư tưởng.

Mặc dù đội ngũ hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Thành phố là khá đông, số các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, các hội chuyên ngành về văn học, nghệ thuật  đứng ở vị trí hàng đầu của cả nước nhưng chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế. Không khí hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn khá trầm lắng, chưa đồng hành với sáng tác. Người đọc hầu như chỉ thấy hình thức phê bình báo chí, mà còn thiếu những bài viết chuyên sâu của giới phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Hiện tượng nghiệp dư hóa, dễ dãi, hời hợt trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật có chiều hướng gia tăng.

Với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, ở một địa bàn là trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận, khai thác được mặt thuận lợi của quá trình này, vừa phải đương đầu, “đau đầu” với mặt trái của thông tin từ mạng internet. Thời gian gần đây là báo chí điện tử, mạng xã hội từ bên ngoài hoặc đặt máy chủ ở bên ngoài phát triển ồ ạt, nội dung hết sức phức tạp, độc hại, phản văn hóa nhằm vào Thành phố. Là thành phố có nhiều cơ sở đào tạo các ngành nghề văn hóa, nghệ thuật từ cao đẳng đến đại học (chỉ đứng sau Hà Nội) nhưng chất lượng đào tạo một số nơi chưa cao, chưa gắn kết đào tạo và sử dụng.

Những hạn chế, yếu kém trên đây trở thành thách thức đối với sự phát triển văn hóa của Thành phố với tư cách là "Nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Phát triển các lĩnh vực mới mẻ như dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa

Để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, chúng tôi xin tham góp một số ý kiến sau đây, tập trung ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản của Thành phố:

Về chiến lược phát triển văn hóa cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cần nhìn nhận phạm trù văn hóa theo các nội dung: hệ tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, xây dựng con người văn hóa để thực hiện chiến lược, mục tiêu văn hóa của đất nước, đặc biệt chú ý đến các tiêu chuẩn về nhân cách, đạo đức và lối sống, xây dựng các giá trị và chuẩn mực văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam... Cần đưa văn hóa thực sự trở thành mục tiêu, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội ở Thành phố cũng như cả nước. Cần khai thác thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần tăng cường vai trò của văn hóa trong phát triển. Chú ý xây dựng và hoàn thiện hệ chính sách đồng bộ, vừa nhấn mạnh quan điểm kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, vừa chú ý đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sáng tạo văn hóa, đầu tư văn hóa, ưu đãi xã hội, bảo vệ và phát triển môi trường văn hóa, khuyến khích xây dựng công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố. Chú trọng tăng cường nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hóa. Xây dựng và thực hiện tốt hơn chiến lược, kế hoạch phát triển văn hóa từng thời kỳ; đa dạng hóa việc phân phối, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa; gia tăng điều kiện, tiền đề cho việc đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường văn hóa; xử lý tốt vấn đề phân hóa giàu nghèo, rút ngắn khoảng chênh lệch về tiêu dùng và thụ hưởng văn hóa giữa đô thị và nông thôn, giữa các tầng lớp dân cư; chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý ở các lĩnh vực mới mẻ như dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển văn hoá, thể dục-thể thao; thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong mọi tình huống.

Thực hiện nghiêm túc Đề án quy hoạch và phát triển báo chí cả nước và Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo; quy hoạch và phát triển hệ thống báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, nhà in, cơ sở phát hành sách báo của Thành phố, trong đó có báo chí, xuất bản điện tử, trong điều kiện các loại hình truyền thông đa phương tiện đã và đang phát triển mạnh mẽ. Sắp xếp, bố trí, kể cả việc thu gọn đầu mối các cơ quan báo chí, xuất bản theo hướng khoa học, hợp lý, hiệu quả. Khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí, tốn kém.  

Chăm lo công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò, vị trí, tác dụng của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho các báo, đài, tạp chí, nhà xuất bản, cơ quan văn hóa, văn nghệ của Thành phố, giúp các cơ quan này nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tăng tính hấp dẫn, lượng phát hành, phạm vi phủ sóng, tính định hướng, chi phối, làm chủ trận địa thông tin, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ.

Khai thác ưu thế trong hợp tác đầu tư kinh tế với nước ngoài của Thành phố; đầu tư thoả đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại; tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực; đưa được sách, báo, văn hóa phẩm có nội dung tốt phục vụ công chúng, nhất là đồng bào ta ở nước ngoài.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm