36 tuổi mắc ung thư gan, 'thủ phạm' là thứ quen mặt, nhiều người Việt mang trong người nhưng thờ ơ

05/05/2023 09:59 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu về số ca mắc và có tỷ lệ tử vong cao. Theo Globocan 2020, số ca mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm.

Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác. Nguyên nhân ung thư gan tại Việt Nam có tỷ lệ mắc cao là do nước ta nằm trong vùng dịch tễ viêm gan virus cao, do thói quen lạm dụng rượu bia…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm 10%-20% tổng dân số. Đây chính là nguyên nhân gây ra tới hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan. Người nhiễm viêm gan virus nếu không được điều trị và theo dõi có thể tiến triển thành ung thư gan. Lý do là virus có thể gây tổn thương tế bào theo nhiều cách khác nhau và những tổn thương này có thể dẫn tới ung thư.

Một ca bệnh điển hình mắc ung thư gan do virus là nam bệnh nhân 36 tuổi, trú tại Hà Nội. Trong một lần đi kiểm tra sức khoẻ, bệnh nhân tình cờ phát hiện mắc ung thư gan. 

Nam bệnh nhân nói trước đó đã biết nhiễm viêm gan B nhưng nghĩ không vấn đề gì nên đã chủ quan, thờ ơ không điều trị. Dựa vào tiền sử viêm gan B nhiều năm của bệnh nhân, bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của lá gan, siêu âm đo độ đàn hồi mô gan. 

Dựa vào các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan/Viêm gan B mạn và đái tháo đường type II. Bệnh nhân và gia đình vô cùng bất ngờ với kết luận này.

"Tôi không đau tức ngực, không ho, không khó thở, không gầy sụt cân, không đau bụng, ăn uống bình thường và đại tiểu tiện bình thường nên vẫn nghĩ sức khỏe ổn định. Tôi đâu có ngờ bệnh lại diễn biến thầm lặng. Tôi vô cùng ân hận vì đã chủ quan không điều trị viêm gan B… mọi người đừng như tôi", nam bệnh nhân nói.

36 tuổi mắc ung thư gan: Thủ phạm là thứ quen mặt nhiều người Việt mang trong người như thờ ơ - Ảnh 1.

Kết quả sinh thiết khẳng định mắc ung thư của nam bệnh nhân (Ảnh: bác sĩ cung cấp)

Bệnh nhân sau đó được bác sĩ giải thích về ung thư biểu mô tế bào gan - đây là tổn thương ác tính của các tế bào biểu mô nhu mô gan, nếu phát hiện muộn thì tiên lượng xấu và tỷ lệ tử vong cao.

Hiện tại sau 2 đợt điều trị bằng nút mạch, đốt sóng cao tần, bệnh nhân may mắn có sức khỏe ổn định, xét nghiệm lại hai marker ung thư AFP, PIVKA-II về giá trị bình thường và sức khỏe được bình phục trở lại.

Phòng ngừa ung thư gan

BSNT Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm hay gặp, người dân không nên chủ quan. Khi bị nhiễm virus viêm gan B, đa số trường hợp (90%) người trưởng thành sẽ có khả năng loại virus ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng và chỉ có khoảng 9-10% trở thành viêm gan B mạn tính. Khi bệnh chuyển thành viêm gan B mạn tính thì nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan là rất cao.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Ung thư gan giai đoạn đầu thường khó nhận biết, đa số các trường hợp phát hiện bệnh thường ở giai đoạn tiến triển.

Để có một lá gan khoẻ, người dân nên tiêm phòng văc xin viêm gan B để tạo lá chắn bảo vệ. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người có nguy cơ cao như người mắc bệnh về xơ gan, viêm gan B, C.

Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc viêm gan B, C, cần tuân thủ điều trị theo tư vấn của bác sĩ (nếu có), cũng như chủ động tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện bệnh sớm, cũng như tăng hiệu quả chữa trị.

Ngoài ra, người dân cần tránh uống bia rượu, hút thuốc lá, không ăn thực phẩm nấm mốc. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học như tăng cường rau xanh, đồ ăn ít dầu mỡ, tránh sử dụng đồ chế biến sẵn và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu có dấu hiệu bất thường như chán ăn, ăn không ngon miệng, chướng bụng, đầy hơi, mệt mỏi, sụt cân, mọi người cần đi khám.

Ngọc Minh (tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm