(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố bước vào tuổi 40 với tên gọi TP.HCM từ Sài Gòn - Gia Định hơn 300 năm tuổi, với nhiều đổi thay trong diện mạo kiến trúc đô thị. Bên cạnh những trung tâm thương mại mới, những khu đô thị mới đã và đang mọc lên, bên cạnh những con đường ven sông cỏ hoa mới trồng, hệ thống tàu điện ngầm đang xây dựng…, là sự thay đổi diện mạo thương xá Tax, trụ sở UBND TP, Bưu điện TP, sự biến mất của những hàng cây lâu năm, sự xóa sổ bùng binh cây liễu,…
Trong mọi tiến trình phát triển, cái mới xuất hiện, cái cũ bị thay thế là điều tất yếu. Và cũng tất yếu nảy sinh những cảm xúc trái ngược trong người dân sở tại: bên cạnh sự háo hức, hy vọng vào cái mới, là sự nuối tiếc, thậm chí xót xa với những dấn ấn lịch sử, truyền thống và văn hóa đang dần biến mất… Ứng xử với điều này ra sao để phát triển là tiếp nối? - mục Tiêu điểm đầu năm Dương lịch, cuối năm Âm lịch mang tới một góc nhìn về Sài Gòn - TP.HCM trong nhiều góc nhìn của các chuyên gia, nhà quy hoạch, nghệ sĩ, nhà văn hóa, và trước hết, họ là những cư dân đương đại của TP.HCM.
Chợ Bến Thành vốn nằm bên kênh Bến Nghé, trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Năm 1860, người Pháp xây mới chợ Bến Thành tại địa điểm cũ; năm năm 1887, người Pháp lấp kênh, sáp nhập hai con đường thành đại lộ Charner (dân bản xứ gọi Kinh Lấp, nay là đại lộ Nguyễn Huệ). Năm 1911, người Pháp dời chợ về gần ga xe lửa Mỹ Tho, vị trí của chợ Bến Thành ngày nay. Ảnh chụp các năm: 1895, 1950, 1968, và ngày 2/2/2015.
Nhà thờ Đức Bà còn gọi là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội). Khởi công ngày 28/3/1863, vốn dựng bằng gỗ, khánh thành năm 1865, gọi là Nhà thờ Saigon. Tháng 8/1876, từ một cuộc thi và 3 địa điểm dự kiến, nhà thờ mới được khởi công, khánh thành năm 1880. Lúc này có tên là Nhà thờ Nhà nước, do nhà nước Pháp xây và quản lý. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, tính từ mặt đất lên đỉnh thánh giá cao 60,50 m. Sau Đại hội Thánh mẫu toàn quốc 17/2/1959, nhà thờ có tên gọi mới là Nhà thờ Đức Bà. Ảnh chụp các năm: 1888, 1896, 1970, 2015.
Thiết kế và xây dựng từ năm 1868, đây là nơi ở của Thống đốc Nam kỳ, xây xong năm 1871, lấy tên dinh Norodom. Năm 1945 dinh này lần lượt là “tổng hành dinh” của Nhật và Pháp. Ngày 7/9/1954, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm thành dinh Ðộc lập. Ngày 27/2/1962, dinh bị ném sập, Ngô Ðình Diệm cho xây mới theo thiết kế của Ngô Viết Thụ. Ngày nay gọi là dinh Thống Nhất hay hội trường Thống Nhất. Ảnh chụp các năm: 1875, 1885, 1970, 2015.
Khởi công năm 1898, khánh thành ngày 1/1/1900. Năm 1954, nhà hát biến thành nơi tạm trú cho các thường dân Pháp từ miền Bắc di cư vào Nam. Năm 1955, nhà hát được cải tạo thành trụ sở quốc hội (sau gọi là Hạ nghị viện) của chính quyền VNCH. Từ 1975 trở lại chức năng nhà hát, diện mạo dù có thay đổi nhưng căn bản vẫn như cũ. Ảnh chụp các năm: 1903, 1944, 1960, 2015.
Xây dựng năm 1898, khánh thành 1909, được là Hotel De Ville, còn gọi Dinh xã Tây. Thời VNCH đổi tên thành Tòa đô chánh Sài Gòn, sau 30/7/1975 trở thành tòa nhà làm việc của UBND TP.HCM. Ảnh chụp các năm: 1910, 1968, 2013, 2015Ngày 11/11/1860 “Sở dây thép” Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập, trong khoảng 1886-1891 thì xây dựng bưu điện. Sau ngày 30/4/1975 đổi tên thành Bưu điện TP.HCM. Ảnh chụp các năm: 1895, 1930, 1960, 2015. Bắt đầu xây vào năm 1878, khánh thành 1880. Thập niên 1960-1970, chính quyền Sài Gòn bắt dùng bảng hiệu tiếng Việt, vì thế khách sạn có tên là Đại Lục lữ quán. Ảnh chụp các năm: 1915, 1940, 1965, 2015.Khách sạn Majestic Saigon do Hui Bon Hoa (hay còn gọi là Chú Hỏa, người từng xây và sở hữu các địa điễm mà này là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách chính phủ, chợ Bình Tây...) xây năm 1925. Năm 1965, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Hoàn mỹ, sau 1975 đổi tên thành Cửu Long, nhưng tên giao dịch vẫn là Majestic. Ảnh chụp các năm: 1925, 1967, 2006, 2015.Xây dựng từ năm 1880, khai trương năm 1924, một trong những trung tâm thương mại ra đời sớm trên thế giới. Tòa nhà có tên là GMC (Grands Magasins Charner), đến năm 1960 đổi tên là thương xá Tax. Năm 1997, đổi tên thành Công ty bán lẻ tổng hợp Sài Gòn, năm 1998, trên đỉnh lại gắn Thương xá Tax kèm chữ SATRA đứng trước. Ảnh chụp các năm: 1930, 1960, 2005, 2015
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần