02/03/2023 20:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Nhờ ý nghĩa văn hóa lịch sử và vẻ đẹp độc đáo, Tử Cấm Thành là điểm tham quan nổi tiếng của khách du lịch Trung Quốc và nước ngoài. Thế nhưng, ở đây, có tới 3 khu vực đặc biệt mà du khách không thể tới gần. Đó là những nơi nào?
1. Quyện Cần Trai
Quyện Cần Trai là một nơi nằm ở phía Bắc của hoa viên của cung Ninh Thọ, phía sau của Phù Vọng Các. Vào năm Càn Long thứ 37 (tức năm 1772), Quyện Cần Trai được xây dựng mô phỏng theo Kính Thắng Trai trong hoa viên của cung Kiến Phúc. Quyện Cần Trai có tới 9 phòng nối liền nhau với một vọng gác ở trên đỉnh đồi.
Vào những năm cuối đời, Càn Long hầu như chuyển về Quyện Cần Trai nghỉ ngơi. Càn Long đã yêu cầu những người thợ thủ công giỏi nhất của kinh thành trang trí lại theo phong cách Giang Nam cho Quyện Cần Trai. Để giúp hoàng thượng có cảm giác thoải mái nhất khi sống ở đây, những nghệ nhân đã sử dụng tre để làm vật liệu chính dựng nên Quyện Cần Trai.
Mái của những căn phòng nơi đây được lợp bằng ngói tráng men màu xanh và trang trí phần cạnh bằng ngói lưu ly màu vàng. Hành lang của Quyện Cần Trai được trang trí bằng những bức tranh vẽ theo phong cách Tô Châu. Những bức tranh này được vẽ bởi các họa sĩ cung đình là Lang Thế Ninh và Vương Ấu Học. Trần của các căn phòng được ốp bằng các miếng hoa văn đồng bộ. Nơi này còn có một sân khấu nhỏ để hoàng đế xem kinh kịch. Trong thời Càn Long, các thái giám thường tập hát ở Quyện Cần Trai.
Đáng tiếc rằng, các bức tranh và các vật dụng, bức vách, giường ngủ… bằng tre đã bị hư hại sau một thời gian dài nên nơi này đã đóng cửa để trùng tu.
2. Vũ Hoa Các
Vũ Hoa Các thực chất là một Phật đường của Cố cung được xây dựng vào năm Càn Long thứ 14 (1749). Vũ Hoa các là Phật đường mật tông Phật giáo Tây Tạng. Càn Long đã cho cải tạo lại một tòa nhà theo kiến trúc thời Minh thành Vũ Hoa Các. Vũ Hoa Các sau này được sửa phỏng theo tu viện Thác Lâm Tự ở Tây Tạng.
Nguyên nhân khiến Vũ Hoa Các bị niêm phong và cấm du khách tham quan là bởi bên trong có đặt 3 tượng Phật Hoan Hỷ. Chỉ có hoàng đế trước ngày đại hôn mới được phép tới đây để cử hành các nghi lễ chuyên biệt. Đây là nơi chỉ có duy nhất hoàng đế được phép ra vào để học Phật pháp và tu tâm dưỡng tính.
Ngoài ra, không gian bên trong Vũ Hoa Các vô cùng nhỏ hẹp nên không thích hợp để cho các du khách vào tham quan. Hơn nữa, Vũ Hoa Các là Phật đường nên cần được giữ sự thanh tịnh, tôn nghiêm nên sự ồn ào của các du khách sẽ quấy nhiễu nơi này.
3. Tam Hi Đường
Tam Hi Đường nằm ở phía Đông Noãn các của Dưỡng Tâm điện, nguyên danh là "Ôn thất", sau cải thành "Tam Hi Đường". Tấm biển mang tên Tam Hi Đường cũng do đích thân Càn Long ngự bút. "Tam Hi" chính là "Sĩ hi hiền, hiền hi thánh, thánh hi thiên", nghĩa là "kẻ sĩ hy vọng trở thành người tài, người tài hi vọng trở thành thánh nhân, thánh nhân hi vọng trở thành biết thiên chi nhân", thật ra là cổ vũ chính mình không ngừng truy cầu, chăm chỉ cố gắng.
Tam Hi Đường là thư phòng của hoàng đế Càn Long, diện tích chỉ khoảng 4.8 mét vuông, nhưng bài trí cao nhã, tinh tế. Tam Hi Đường được biết đến là nơi bày trí với số lượng lớn sản phẩm thủ công và văn phòng tứ bảo tinh tế. Đây cũng là nơi vua Càn Long cất giữ các tác phẩm "Tam Hy mặc bảo": "Khoái tuyết thời tình thiếp" của Vương Hi Chi, "Trung thu thiếp" của Vương Hiến Chi và "Bá Viễn thiếp" của Vương Tuần.
Lý do Tam Hi Đường dù mở cửa nhưng du khách không thể vào tham quan là bởi vì nó quá nhỏ. Sở dĩ Tam Hi Đường nhỏ như vậy là có liên quan tới chức năng ban đầu của nó. Trước đó, nó có tên là Ôn thất, nghĩa là một căn phòng ấm áp ngay cả trong mùa đông lạnh giá. Căn phòng này được thiết kế nằm ở đối diện mặt trời, có một cửa sổ lớn, mùa đông có thể thêm một chậu than là hoàng đế Càn Long có thể thoải mái ngồi đọc sách và luyện thư pháp. Không chỉ có diện tích nhỏ, bên trong Tam Hi Đường còn chứa nhiều bảo vật quý giá, do đó nơi này đã bị niêm phong lại và nghiêm cấm du khách tới thăm quan.
Nguồn: Sina
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất