Á quân Pháp trước nguy cơ bị loại: Công lý cho người... Ireland

19/06/2010 11:40 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Không có ánh mắt ám ảnh như của Eric Cantona sau thất bại lịch sử trước World Cup 1994. Không có hình ảnh Zidane cúi đầu bước qua Cúp vàng thế giới với nỗi buồn trĩu nặng sau khi nhận thẻ đỏ vì cú “thiết đầu công” với Materazzi năm 2006. Không luôn cả sự thương cảm và tiếc nuối trong cú ngã giúi giụi của Zizou ở Nhật Bản & Hàn Quốc năm 2002. Một chút kiêu hãnh của kẻ thất bại kiên cường không tồn tại. Bạc nhược đến vô cảm. Pháp, đương kim á quân thế giới, đã quỳ gối trước người Mexico một cách nhạt nhẽo như thế đấy!
 
*Sự cô đơn của Henry

Pháp trước ngưỡng cửa bị loại - Ảnh Getty

Henry ngồi thu lu một góc trong cái lạnh cắt da của mùa Đông Nam Phi, và chờ đợi. Người thế chỗ Nicolas Anelka đầu hiệp 2 không phải là anh, mà là Gignac. Phút 69, HLV Raymond Domenech lại nhìn lên băng ghế dự bị: Ông cần một phương án tấn công giàu sức sống hơn Govou. Chân sút của Barcelona lại phải thất vọng một lần nữa, khi Valbuena mới là người vào sân. Hy vọng của Henry dần chuyển thành nỗi tuyệt vọng sau mỗi phút trôi đi, để rồi hoàn toàn bị dập tắt khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.

Không có một ai cô đơn hơn Henry trong cái đêm cắt da cắt thịt ấy: Pha chơi bóng bằng tay của anh, dẫn đến bàn thắng của Gallas vào lưới Ireland đã đưa Pháp đến Mũi Hảo Vọng, thế nhưng thanh danh của tiền đạo này đã trở thành một đề tài đàm tiếu của dư luận suốt thời gian qua, còn bản thân anh đối diện với án phạt cấm thi đấu của FIFA ở World Cup. Cuối cùng thì Henry không bị công lý của FIFA trừng phạt, nhưng Domenech đã “phản bội” anh: Ngay cả khi Pháp hoàn toàn bế tắc trước hệ thống phòng thủ của người Mexico và trong tay còn một quyền thay người, Domenech vẫn lãng quên anh.

Những ai tin vào thuyết nhân quả có thể cho rằng cá nhân Henry nói riêng và đội Pháp nói chung đã phải trả giá, và người Ireland có thể cảm thấy hả hê rất nhiều khi Mexico đã đòi lại sự công bằng cho họ. Một đối thủ với bản lĩnh vượt trội so với Ireland đã phơi bày diện mạo thật sự của đội Pháp ra toàn thế giới, và đó là một sự trừng phạt đích đáng: Nỗi tủi nhục mà người Pháp phải gánh chịu sau thất bại này sẽ nhân lên gấp nhiều lần nỗi đau mà họ gây ra cho người Ireland, tỉ lệ thuận với tầm vóc của đấu trường họ đang tham dự.

*Cái chết của những “con chuột bạch”

Yoann Gourcuff đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi trận đấu với mà không cần lý do chính đáng nào, và anh cũng chỉ là một trong vô số những nạn nhân mà ông Domenech đã coi như một vật thí nghiệm trong trò chơi chiến thuật loạn xạ của mình. Anelka, hay Govou rõ ràng là những thử nghiệm tồi tệ, nhưng liệu có thể đòi hỏi một cầu thủ chơi lùi như Anelka phải phát huy được hiệu quả trong vai trò chơi cắm, và một cầu thủ gần như cả mùa qua vật lộn với chấn thương và sa sút khủng khiếp như Govou có thể tạo ra dấu ấn đặc biệt nào chăng?

Tất cả đều là những “con chuột bạch” phục vụ cho những thí nghiệm của Domenech, kể cả Zidane, người đã trở lại để đưa tuyển Pháp đến chung kết World Cup 2006 về trước. Nếu đội Pháp không-Zi-zou thất bại từ cách đây 4 năm, liệu “Les Bleus” có tiếp tục trở thành nạn nhân của những quyết định điên rồ mà Domenech đưa ra thêm 4 năm, và sự nghiệp huy hoàng của Zidane vĩ đại có kết thúc một cách đau đớn như thế chăng?

Dẫu sao, “Les Bleus” cũng sẽ thoát khỏi tình trạng của một vật thí nghiệm trong tay Domenech sau khi VCK 2010 kết thúc (rất có thể trận gặp Nam Phi sẽ là trận cuối cùng ở World Cup năm nay của đội Pháp), thế nhưng lịch sử của họ sẽ lại ghi nhận thêm một vết nhơ khó gột rửa nữa? Lỗi lớn nhất thuộc về LĐBĐ Pháp (FFF): Tổ chức này đã hoàn toàn sai lầm khi bảo vệ cho chiếc ghế của Domenech trong suốt 6 năm qua. Và “Gã bảo thủ”, xét cho cùng, cũng chỉ là một... “con chuột bạch” trong thí nghiệm thử thách niềm tin và sự kiên nhẫn của người hâm mộ Pháp trong từng ấy thời gian.

 Phạm An
 

Pháp không còn quyền tự quyết

Với thất bại này, đội Pháp không còn quyền tự quyết định số phận của mình ở bảng A: Để lọt vào vòng 1/8, họ cần một chiến thắng thật đậm trước chủ nhà Nam Phi trong lượt đấu cuối cùng, và hy vọng trận đấu giữa Uruguay - Mexico có kết quả thắng thua để so đọ về hiệu số với đội thua cuộc. Thế nhưng nếu Uruguay và Mexico “bắt tay” nhau để cùng hướng đến một trận hòa, cả Pháp và Nam Phi chắc chắn hết cơ hội, bất kể một trong 2 đội có thắng đậm đến bao nhiêu đi chăng nữa.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm