Các nền quân chủ châu Âu đi về đâu?

06/02/2012 12:06 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Thế giới đang chuyển biến theo nhiều chiều hướng chính trị khác nhau, nhưng tại châu Âu, một số quốc gia vẫn trung thành với thể chế quân chủ như: Anh, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Tây Ban Nha và các công quốc Luxembourg, Liechtenstein, Monaco, Andorra.

Những nền quân chủ này vẫn được lòng dân là bởi họ đã chấp nhận việc hiện đại hóa.

Nữ hoàng Anh, người bà đáng kính

Ngày hôm nay, 6/2/2012, Nữ hoàng Anh Elizabeth II (85 tuổi) sẽ kỷ niệm 60 năm trên ngai vàng. Bà chính thức trở thành Nữ hoàng Anh ngày 6/2/1952 và được trao vương miện ngày 2/6/1953.

Tại Anh, Nữ hoàng đóng vai trò chính trị rất quan trọng, là người lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh, đứng đầu quân đội, chịu trách nhiệm bổ nhiệm Thủ tướng, và mỗi tuần lại có một cuộc gặp gỡ với người đứng đầu Chính phủ. "Chỉ có hai người trên thế giới mà người ta có thể kể hết cho nghe những gì họ nghĩ về đồng nghiệp, đó là vợ và Nữ hoàng" - cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng phát biểu.

Nữ hoàng Elizabeth II cùng gia đình

Đứng mũi chịu sào về mặt ngoại giao, hơn cả những người đồng cấp châu Âu, Nữ hoàng Anh là hiện thân của những sự kiện lịch sử quan trọng như quan hệ xích lại giữa Anh và Ireland, được thể hiện qua chuyến thăm Dublin của bà hồi năm ngoái.

Bà được xem là người đứng trên các đảng phái chính trị. "Một tổng thống có thể chia rẽ chúng ta. Nhưng một người bà đáng kính như Nữ hoàng thì không. Nữ hoàng dường như rất đời thường, bà không phải là một người có uy tín lớn, nhưng là người trung thực, chu đáo, làm việc hết mình và ý thức được các trọng trách phải gánh vác" - ông Rodney Barker, giáo sư trường Đại học kinh tế London cho hay.

Tồn tại và được lòng dân nhờ biết tự hiện đại hóa

Giúp ổn định đất nước, tăng vị thế trên trường quốc tế cũng như duy trì nên độc lập, đó là những gì mà một vị vua anh minh cần phải làm được. Đó cũng là quan điểm của người dân Na Uy khi quyết định thiết lập nền quân chủ vào năm 1905. Hay những gì mà đất nước Thụy Điển nỗ lực để được giải phóng, được công nhận trên bình diện quốc tế và tồn tại lâu dài như một quốc gia độc lập.

7 nền quân chủ hiện thời ở châu Âu vẫn duy trì ảnh hưởng chính trị lớn do họ biết tự hiện đại hóa. Cũng giống như Nữ hoàng Anh, nhà vua Tây Ban Nha cũng đóng vai trò ổn định chính trị, đảm bảo cho nền dân chủ non trẻ ra đời sau chế độ độc tài Franco. Vua Juan Carlos là hình ảnh đại diện cho một một nền quân chủ hiện đại, luôn quan tâm tới việc làm sao để được lòng dân và biết thích ứng với tình hình mới.

Hàng năm Nữ hoàng đọc diễn văn khai mạc phiên họp của Quốc hội

Tháng 12/2011, khi  nổ ra một scandal tham nhũng liên quan đến người con rể Inaki Urdangarin, ông quyết định công bố toàn bộ kết toán của hoàng gia: một ngân sách 8,43 triệu euro được Quốc hội thông qua, bị cắt giảm 5% trong năm 2011- năm khủng hoảng của nước này. Đây là khoản tiền thấp hơn lương của một ngôi sao sân cỏ và khiêm tốn so với khoản tiền 46 triệu euro cấp cho Hoàng gia Anh trong năm 2010.

Vua Albert II của Vương quốc Bỉ quyết định năm 2012 sẽ không sử dụng khoản tiền tăng thêm 3% do lạm phát trong số tiền trợ cấp (11 triệu euro năm 2011) theo quy định của Hiến pháp trong bối cảnh kinh tế khó khăn. "Các yếu nhân hoàng gia là hiện thân cho đặc tính quốc gia. Nếu hành xử đúng đắn, họ chính là hiện thân của nước họ" - ông Peter Conradi nhấn mạnh. 

Tất cả các quân vương châu Âu đều thay đổi để thích ứng với điều đó, nhưng không phải lúc nào cũng ngăn chặn được các scandal xảy ra. Theo phân tích của ông Rodney Barker, điều không có lợi nhất cho các hoàng gia là khi có thành viên hành xử tồi, lạm dụng những đặc quyền được trao mà không làm gì cả. Hoàng gia Anh đã tránh được các sai lầm hành xử từ nhiều năm nay, không bị coi là lạm dụng vị thế hay không làm tròn chức trách.

Chuẩn mực đối với mỗi thành viên hoàng gia

Ngoài Nữ hoàng Anh, gương mặt đáng chú ý chính là người cháu của bà, hoàng tử William, được đánh giá là người đàn ông trẻ nghiêm túc, chăm chỉ và chỉnh tề. Là con trai của thái tử Charles và công nương Diana, anh phi công của Không lực Hoàng gia Anh này sẽ được điều đến triển khai cùng với đơn vị của mình tại quần đảo Falkland nằm cách bờ biển Argentina 480km vào tháng 2 này, 30 năm sau cuộc chiến giữa Anh và Argentina.

Cuộc hôn nhân với Kate Middleton diễn ra ngày 29/4/2011 giúp uy tín của hoàng tử lên cao, tới 76% ý kiến ủng hộ. Điều này chứng minh các hoàng gia đã tôn phong tình cảm của một đất nước. Hoàng tử William, người đứng vị trí thứ hai trong danh sách những người kế vị Nữ hoàng đã có được một phong cách gần gũi với các thần dân, thừa hưởng từ người mẹ quá cố, người ta không thể nào quên hình ảnh công nương khoác tay những bệnh nhân bị mắc AIDS.

Một phong cách hoàng gia theo kiểu Scandinave, nơi mà các nền quân chủ gần gũi với người dân, biết cùng chia sẻ tình cảm. Hoàng gia Na Uy đã thể hiện sự đau buồn, cảm thông với gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng điên cuồng diễn ra vào mùa Hè năm ngoái làm 77 người thiệt mạng. Các thành viên tới thăm hỏi những người sống sót, khóc thương trong lễ tưởng niệm tổ chức tại nhà thờ Oslo.

Ngoài tính nhân văn, những người đại diện cho một thể chế còn góp phần vào các giá trị chung của nước họ.

Theo phóng viên Peter Conradi, bộ phim Bài diễn văn của nhà vua (King's speech) sở dĩ gặt hái  thành công vang dội, bởi trước hết đó là câu chuyện của một người đàn ông, hơn nữa đó là một vị vua đấu tranh chống lại nghịch cảnh để làm tròn trọng trách được trao. Những người dân Anh hơn 50 tuổi đều biết rõ câu chuyện này nhưng giới trẻ thì không. Bộ phim đơn giản chỉ để nói lên một điều, nhà vua cũng là con người.

Ngọc Nhàn (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm