Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Đình chỉ công tác hơn 500 quân nhân

06/10/2016 11:51 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/10, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tạm thời đình chỉ công tác của hơn 500 quân nhân, phần lớn là sĩ quan thuộc lực lượng không quân và hải quân do nghi ngờ có quan hệ với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc đừng đằng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7.

Hãng thông tấn Dogan dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Fikri Isik cho biết theo quyết định trên, tổng số 113 người thuộc lực lượng hải quân và 427 người thuộc không quân sẽ tạm thời bị đình chỉ công tác để phục vụ cuộc điều tra. Kể từ sau vụ đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ sa thải tổng cộng 3.699 quân nhân khỏi lực lượng vũ trang. Giới chức nước này cho biết quyết định đình chỉ công tác trên được xem là biện pháp đề phòng nhằm ngăn chặn những đối tượng tình nghi cản trở tiến trình điều tra.

Trước đó, Ankara cũng đình chỉ công tác 12.801 cảnh sát, trong đó có 2.523 người nắm giữ vị trí lãnh đạo trong tổng số 270.000 nhân viên cảnh sát trên cả nước.

Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen. (Nguồn: Getty Images)

Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thẩm vấn 70.000 người, sa thải hơn 81.000 nhân viên thuộc các ngành khác nhau, trong đó có gần 100 nhân viên ngành ngoại giao. Hơn 32.000 người cũng đã bị bắt giam với cáo buộc có quan hệ với phong trào Hồi giáo của giáo sĩ Gulen.

- Cùng ngày, nhà điều hành vệ tinh truyền hình của châu Âu - Eutelsat thông báo đã ngừng tiếp sóng kênh truyền hình Med-Nuce TV (IMC TV) được cho là ủng hộ người Kurd, theo yêu cầu của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, ngày 4/10, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã khám xét trụ sở kênh truyền hình IMC TV và cắt tất cả các chương trình đang phát sóng của kênh này bất chấp sự phản đối của nhân viên.

IMC TV là một trong những kênh truyền hình bị yêu cầu đóng cửa hồi cuối tuần trước theo tình trạng khẩn cấp mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng 7 vừa qua. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu 12 kênh truyền hình khác ngừng phát sóng do cáo buộc có liên quan đến các nhóm bị coi là đe dọa lợi ích an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ khủng bố và ủng hộ cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7.

Các kênh truyền hình này cũng bị cho là đã phát các chương trình "tuyên truyền" cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 3/10, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng, bắt đầu từ ngày 19/10. Theo đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan, trong trường hợp cần thiết, Ankara có thể duy trì tình trạng khẩn cấp ít nhất 12 tháng. Tuy nhiên, Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ quy định tình trạng khẩn cấp chỉ có thể kéo dài tối đa 6 tháng. Hiện Ankara đang yêu cầu Mỹ thực thi các biện pháp cần thiết để dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước xét xử.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm