Man City: Chứng minh đi, Mancini!

13/08/2010 11:48 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Nếu không thể mang lại chiếc vé dự Champions League cho đội bóng được mệnh danh giàu nhất thế giới, HLV người Italia Robert Mancini xứng đáng bị sa thải.

Chỉ vài ngày sau khi kế thừa chiếc ghế HLV Man City từ Mark Hughes, cựu HLV Inter Milan từng hứa hẹn: "Đội bóng sẽ giành suất dự Champions League mùa này (2009-2010) và vô địch Premier League mùa tới (2010-2011)". Mancini đã không thể thực hiện lời hứa đầu tiên. Có đôi chút ngạc nhiên khi Mancini không bị sa thải vào cuối mùa vừa qua cho dù có tin đồn cho rằng hợp đồng giữa Mancini và Man City có điều khoản quy định đội bóng được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải đền bù nếu không thể lọt vào tốp 4. Ngạc nhiên vì những ông chủ càng giàu thì thường càng ít kiên nhẫn. Ngạc nhiên vì số tiền chi ra trên TTCN thường tỷ lệ nghịch với thời gian chờ đợi.

Mancini bên cạnh 4 tân binh - Ảnh Getty

Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Mark Hughes đã nhận được lòng nhân từ khi không bị sa thải dù Man City xếp tận vị trí thứ 10 trong mùa đầu tiên thuộc triều đại tỷ phú Ả rập Sheikh Mansour. Nhưng đến giữa mùa thứ 2, từ mùa trước, ông đã phải ra đi ở thời điểm Man City quá xa lạ với chiến thắng và cánh cửa Champions League trở nên nhỏ hẹp. Một kịch bản tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với Mancini. Nhiệm vụ bắt buộc của ông sẽ là giúp Man City lọt vào tốp 4, một mục tiêu đáng lẽ thuộc về mùa trước. Nếu không, Mancini biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra.

Người ta cho rằng Man City hiện tại gợi nhớ đến Chelsea trong những năm đầu thuộc triều đại Roman Abramovich. Thực ra, Man City tiêu tiền còn khủng khiếp và có phần hoang phí hơn Chelsea ngày ấy. Đỉnh cao mua sắm của Chelsea là 126,7 triệu bảng cho mùa 2004-2005. Riêng với Man City, khi hoàn thành 2 vụ chuyển nhượng Mario Balotelli và James Milner, số tiền mà họ ném vào TTCN mùa Hè 2010 đã lên đến 135 triệu bảng và không có gì đảm bảo họ sẽ ngừng tiêu tiền ở kỳ CN mùa Đông tới đây. Chelsea của Abramovich vung tiền để xây dựng đội hình mang tính lâu dài, tạm coi là đầu tư cơ bản, và thực tế đội hình vô địch Premier League mùa trước vốn có bộ khung thuộc thời Mourinho. Chiến lược mua sắm của Man City hoàn toàn khác. Những vụ chuyển nhượng trong năm đầu tiên, như Robinho chẳng hạn, chỉ để phục vụ mục đích thu hút các ngôi sao khác.

Đó là chưa kể đến chính sách trả lương có phần điên rồ. Robinho sẽ không được đăng ký vào danh sách 25 cầu thủ từ 21 tuổi trở lên và sẽ tiếp tục bị đẩy cho CLB khác mượn dù hưởng lương lên đến 160 nghìn bảng/tuần. Wayne Bridge sẽ dự bị cho vị trí hậu vệ trái mùa tới dù nhận 90 nghìn bảng/tuần, ngang bằng với Rooney ở M.U. Tân binh Yaya Toure không biết chắc mình sẽ đá chính hay không dù đang hưởng mức lương kỷ lục thế giới - 200 nghìn bảng/tuần.

Phải thừa nhận, Mancini giỏi tận dụng thế mạnh tài chính của ông chủ để xây dựng đội bóng theo ý mình. Từ thời Inter trước đây đến Man City hiện tại, đội bóng của Mancini luôn thừa mứa ngôi sao. Chủ trương xây dựng đội bóng với 2 ngôi sao cho một vị trí của Mancini được BHL Man City đáp ứng nhiệt tình và không sợ tốn kém. Thậm chí, ở vị trí tiền vệ phòng ngự, Mancini đứng trước 6 sự lựa chọn là Yaya Toure, Gareth Barry, Nigel de Jong, Patrick Vieira, Kompany và Zabaleta.

Tóm lại, đây là mùa giải mà Mancini nhận được sự chuẩn bị về mọi thứ, từ thời gian (không phải giữa mùa) đến tiền bạc (mua sắm nhiều nhất châu Âu). Cũng vì thế, áp lực dành cho ông càng nặng nề. Mancini nói rằng ông không hề sợ áp lực: "Nên nhớ rằng, tôi là HLV tại vị lâu nhất ở Inter Milan trong vòng 2 thập kỷ". Mancini nói không sai. Nhưng thứ mà người ta cần ở ông là hành động chứ không phải lời nói.

Vậy hãy chứng minh đi, Mancini!

Đ.LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm