35 năm, nỗi đau thủ lĩnh The Beatles John Lennon bị sát hại vẫn ám ảnh

09/12/2015 19:55 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Vào đêm lạnh cách nay 35 năm (8/12/1980), fan cuồng Mark David Chapman đã đợi John Lennon ở bên ngoài tòa nhà căn hộ của cựu thành viên Beatles ở New York, nơi ông sống cùng vợ Yoko Ono, và con trai.

Khi Lennon xuất hiện lúc gần 11h đêm, Chapman đã chĩa khẩu súng lục Charter Arms và bắn gục Lennon. Vậy tại sao Chapman lại dễ dàng có được súng trong khi Mỹ áp dụng luật sử dụng súng rất nghiêm ngặt?

Kẻ ám sát cuồng vẫn không được ân xá

6 tuần trước khi gây nên cái chết oan nghiệt cho Lennon, Chapman đã mua khẩu súng lục Charter Arms với giá 169 USD từ J&S Sales Ltd., một cửa hàng ở Honolulu, Hawaii, nơi Chapman từng sống. Chapman có giấy phép mua súng, vậy nên cảnh sát hay bất cứ người bán hàng nào đều không có lý do để ngăn chặn cuộc mua bán này.

Giới chức tại sân bay Honolulu cho biết, có thể Chapman mang súng và lọt qua được sân bay bằng cách đặt nó trong hành lý của mình. Thời điểm đó, kiểm tra hành lý khá đơn giản, không có công đoạn lục soát, khám xét hay chiếu tia X. Chapman bay tới Atlanta trước sau đó mới tới New York City.


Kẻ ám sát Mark David Chapman vẫn chưa được hưởng ân xá. Ảnh: abc.news

Mặc dù được phép sử dụng, song khẩu súng của Chapman không được coi là hợp pháp bởi New York không công nhận tính hợp lệ của các giấy phép sử dụng súng do các bang khác ban hành. Theo luật của bang này, bất cứ ai mang súng vào thành phố đều phải đối diện với các cáo buộc tội phạm, kể cả họ có giấy phép ở bất cứ đâu. Nhưng hắn vẫn có mặt tại New York cùng khẩu súng.

Sau khi bắn Lennon, Chapman đã đợi cảnh sát tới và bắt hắn. Chapman nhận tội sau khi định gán cho mình bệnh tâm thần. Hắn bị kết án từ 20 năm tù giam đến chung thân tại nhà tù Wende ở phía Tây New York. Hồi tháng 8/2014, hắn bị từ chối ân xá. “Hành động của ông đã khiến cả một gia đình và người hâm mộ nạn nhân đau khổ” – tuyên bố của ban từ chối ân xá.

Người thân, bạn bè & fan "choáng váng"

Khi nhận được tin Lennon bị ám sát, cựu thành viên Beatles Ringo Starr đã bay tới New York để an ủi Yoko. George Harrison thì “choáng váng và đau đớn”, trở về sống ẩn dật tại nhà riêng ở Oxfordshire (Anh).

Còn Paul McCartney, người mà Lennon vừa yêu vừa ghét, bày tỏ: “Tôi không thể bày tỏ cảm thấy bị tổn thương thế nào khi mất Lennon. Cái chết của ông thực sự cay đắng và phũ phàng. Tôi vô cùng yêu quý ông”.


Khi John Lennon qua đời, tạp chí Time đăng ảnh ông trên trang bìa

Theo McCartney, thi hài Lennon nên được chôn cất tại quê nhà ở Sussex (Anh), tuy nhiên Lennon đã yên nghỉ tại một nghĩa trang ở ngoại ô New York. Vợ góa của ông, bà Ono đã tuyên bố mời “mọi người tham gia vào 10 phút thắp nến cầu nguyện, diễn ra vào tối Chủ nhật, cho dù bạn ở bất cứ đâu”.   

1 tuần trước đó, nhiều đài phát thanh từ New Orleans tới Boston đều phát các chương trình hồi tưởng Lennon. Ở Los Angeles, hơn 2.000 người đã tham gia vào buổi thắp nến tưởng nhớ Lennon tại Century City, trong khi album mới Double Fantasy (1980) của đã bán hết veo tại các cửa hàng. Đây là sản phẩm thu âm mới của Lennon-Ono trong vòng 5 năm, trong đó gồm các bản thu âm trước đây của Lennon.

Tuy nhiên, lại có một số cách thể hiện quá bi kịch. Một cô gái tuổi vị thành niên ở Florida và một người đàn ông 30 tuổi ở Utah đã tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh nói rằng họ quá đau buồn với cái chết của Lennon.

Tuấn Vĩ
(Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm