B.Bình Dương đua vô địch: Thành bại tại Man City

27/07/2015 07:41 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận thua HAGL với tỷ số 1-2 ở vòng 17 V-League 2015, GĐKT đội bóng đất Thủ, Mai Đức Chung, cho rằng, nhiều trụ cột của B.Bình Dương đã chủ ý giữ chân cho trận giao hữu với CLB Man City. Các trụ cột ấy là Công Vinh, Anh Đức, Trọng Hoàng, Mai Tiến Thành, Michal Nguyễn, Xuân Thành, Âu Hoàn…?

“Kíp nổ” đã tháo và dự là, làng bóng đá Việt sẽ có nhiều biến động, tựa như hiệu ứng domino, bắt đầu từ Thủ Dầu Một. Nên nhớ, ông Mai Đức Chung trước khi quay lại “cầm” B.Bình Dương, vốn dĩ là Trưởng phòng các ĐTQG, thuộc VFF.

Ông Chung "tháo kíp nổ"

Vị GĐKT của B.Bình Dương tuyên bố như thế, khi danh sách triệu tập ĐTQG cho các trận giao hữu với Man City (ngày 27/7), đội tuyển Philippines (3/9) và xa hơn là trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 gặp Đài Loan, Trung Quốc (ngày 8/9) còn chưa được HLV Miura công bố. Ông Chung “xe ca” bản tính mềm mỏng, không thường đưa ra những tuyên bố hay phát biểu gay gắt, kiểu đồng nghiệp và là đồng đội cũ Lê Thuỵ Hải. Vậy thì tại sao?


B. Bình Dương (giữa) đang có dấu hiệu hụt hơi khiến V-League 2015 nóng hơn

Có 2 tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, ông Chung chối quanh và buộc phải tìm một cái cớ để giải thích thất bại khó chấp nhận của B.Bình Dương trước đội bóng yếu nhất nhì V-League 2015 là HAGL? Lý do thứ 2 (ở tầm chiến lược), phải chăng, với kênh quan hệ (cũ) vẫn được bảo lưu ở Phòng các ĐTQG, nơi HLV Mai Đức Chung từng ngồi ghế Trưởng phòng, ông Chung “xe ca” bóng gió về bản danh sách để phủ đầu?

Nhiều khả năng quân chủ lực ĐTQG lần này là người của B.Bình Dương (cũng là điều dễ hiểu), việc ông Chung đi trước ông Miura một bước, hòng giữ quân cho chặng đường còn lại của V-League, quả là rất khôn ngoan.

Có một chi tiết được giới trong nghề "xì xào", đấy là mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” của GĐKT CLB B.Bình Dương với HLV Toshiya Miura, thời ông Chung “xe ca” còn ngồi ghế Trưởng phòng các ĐTQG, làm Trưởng đoàn tại AFF Suzuki Cup 2014 liên quan đến kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam trước các trận bán kết, không được đáp ứng thoả đáng.

Cụ thể, sau trận thắng Philippines ở ngày ra quân AFF Suzuki Cup 2014, HLV Miura đã yêu cầu Phòng các ĐTQG phải chuẩn bị 2 phương án cho việc đặt vé máy bay đi Thái Lan và Malaysia đá bán kết. Tuy nhiên, yêu cầu chỉ được đáp ứng phút cuối.

Sự bị động trong các kế hoạch (vé máy bay và sân tập) khiến đội tuyển Việt Nam phải đi đường vòng (qua TP.HCM cả lượt đi và về), ảnh hưởng không nhỏ đến chiến thuật chuẩn bị của HLV Miura.

Đội tuyển Việt Nam bị loại ở bán kết với tỷ số 4-5 chung cuộc, dù đã dẫn đối thủ 2-1 sau trận lượt đi trên sân khác. HLV Miura cay đắng, nhưng không thể thoái thác trách nhiệm, còn vị Trưởng đoàn và là Trưởng phòng các ĐTQG, Mai Đức Chung, cũng đã lại chuẩn bị cho một cuộc “ra đi” về Thủ Dầu Một.

Chuyện dông dài như thế, để thấy thêm cái sự lạ từ tuyên bố của ông Chung khi B. Bình Dương tụt lại trong cuộc đua đến ngôi vương V-League mùa này.

V-League chỉ là sân sau?

Về các trận đấu giao hữu quốc tế thuộc hệ thống phân lịch thi đấu của FIFA, các CLB hàng đầu buộc phải nhả quân cho ĐTQG, hệt như các trận đấu – giải đấu chính thức.

Điều này đã được đưa vào văn bản, đồng thời FIFA sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho CLB sở hữu, nếu cầu thủ không may dính chấn thương khi làm nhiệm vụ quốc gia. Trường hợp của Luka Modric (Real Madrid và đội tuyển Croatia) là một ví dụ tiêu biểu. Real đã nhận khoảng 1,6 triệu euro, khi Modric chấn thương lúc về chơi cho đội tuyển quốc gia.


HLV Miura đặt mục tiêu học hỏi, cọ xát cho các học trò trong trận gặp Man City

Trong số báo trước, Thể thao & Văn hoá Cuối tuần cũng đã đặt câu hỏi: Chúng ta đá với Man City để làm gì?!Trận đấu này chắc chắn không có trong kế hoạch (năm) của VFF và trong khi các quốc gia cùng khu vực "lách luật" của FIFA bằng đội hình "Các ngôi sao", thì chúng ta lại ghi rất rõ - ĐTQG!

Từ vấn đề của Mai Đức Chung, của B.Bình Dương…, đến việc thành lập các ĐTQG không theo một kế hoạch mang tính dài hơi, cụ thể nào, khiến chúng ta phải đặt ngược lại câu hỏi: Phải chăng V-League đang dần mất giá, khi có quá nhiều những ngắt quãng ở mùa giải năm nay?! Nên nhớ, việc phải chia sẻ những đôi chân tiền tỷ cho các ĐTQG, CLB sẽ phải đánh cược với rất nhiều rủi ro chấn thương. Đành rằng VFF và Tổng cục  TDTT có thể lo “trọn gói”, nhưng khó thể đo hết tổn thất nếu có biến.

Chưa bao giờ trong lịch sử giải đấu tuổi 15 lại “nghỉ giải lao” nhiều như mùa giải 2015. Đầu tiên, giải đấu phải tạm hoãn để U23 Việt Nam đá vòng loại U23 châu Á; kế đến là SEA Games 28… Mỗi “hiệp” nghỉ như thế tính bằng tháng, khiến CLB chịu không ít thất thoát.

Lần này, tuy là giải đấu cao nhất xứ sở không tạm hoãn cho các trận giao hữu và chính thức của ĐTQG, song chẳng ai muốn xé lẻ quân số. CLB đóng góp quân số nhiều nhất cho đội tuyển Việt Nam tới đây hẳn chịu thiệt rồi.

Chấn thương, như đã nhắc ở trên, là một vấn đề hiện hữu và nó có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ tình huống – cấp độ nào, chứ không chỉ khi… lên Tuyển, như trường hợp của Luka Modric, trận đấu với Italia, khuôn khổ vòng loại EURO 2016.

Và ngoài ra, tâm lý thi đấu, nền tảng thể lực và phong độ của cầu thủ bị bào mòn, cũng cần phải được tính tới, khi họ phải trả qua một mật độ thi đấu quá dầy. V-League 2015 đang trong giai đoạn dồn toa (có tuần đá 3 trận), hỏi CLB có lo lắng không?!

B.Bình Dương đã bắt đầu biểu hiện hụt hơi rồi, với ít nhất 3 trận không nếm mùi chiến thắng và chỉ giành được 1 điểm. Từ nay đến giữa tháng 8, cả V-League cũng sẽ cảm nhận được mức độ khác nhau thôi!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm