24/02/2011 11:47 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Chỉ mỗi chuyện, HLV trưởng V.NB, ông Nguyễn Văn Sỹ, sẽ không tháp tùng cùng đội bóng trong chuyến vào ải Chi Lăng cuối tuần này (để lo đám cưới cho cô con gái cả - PV), mà người ta đã phao tin, đại loại như: “Có sự điều chuyển trong BHL V.NB” hay cụ thể hơn là “Trợ lý Nguyễn Đức Cảnh lên nắm V.NB thay Văn Sỹ”. Kèm theo đó là những lời ca ngợi cựu thủ môn Nguyễn Đức Cảnh như một tấm gương về sự tận tụy và trách nhiệm…
HLV Nguyễn Văn Sỹ sẽ không cùng V.NB thi đấu với SHB.ĐN
ở vòng 4 Eximbank V-League 2011 vì bận việc gia đình. Ảnh: VSI
Không ai nói ông Cảnh không gương mẫu, không tận tụy trong công việc và vị HLV đang hưởng lương hưu trung tá nhờ đã có thâm niên vài chục năm phục vụ quân ngũ này cũng khá lành tính. Nhưng có nhất thiết phải dùng quá nhiều mỹ từ như thế chỉ để tả về một cộng sự, sẽ thay thuyền trưởng lèo lái con tàu V.NB có một lượt trận không?! Mà đây lại không phải là lần đầu tiên ông Cảnh làm HLV tạm quyền, bởi khi Văn Sỹ bận nhiệm vụ quốc gia, ông Cảnh cũng đã thế vai.
Ngày ra Ninh Bình, Đức Cảnh bị đồn là “gà” của nguyên GĐĐH kiêm môi giới Trần Tiến Đại. Nhưng, thực tế không phải vậy. Đã tạo được ít nhiều cơ sở tại V.NB sau một năm gắn bó, đích thân Văn Sỹ rủ Đức Cảnh ra cố đô Hoa Lư đấy! QK7 của Nguyễn Đức Cảnh vào thời điểm đó mới xuống hạng, trước khi giải thể, nên cũng đang rỗi và thế là ông Cảnh gật đầu luôn. Mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp ở mùa hạng Nhất 2009 và V.NB giành quyền lên chuyên, với công đầu thuộc về bộ đôi này.
Với Văn Sỹ, Đức Cảnh là chỗ thân quen, gần gũi và ngược lại. Họ có thể chia sẻ mọi điều, từ cục xà phòng tắm, đến chuyện gia đình hay vài chai bia trong tủ lạnh. Khi V.NB tập huấn tại phía Nam, ông Cảnh luôn được ưu tiên về thăm nhà. Trong những cuộc nói chuyện, Văn Sỹ luôn lễ phép gọi ông Cảnh bằng anh và sẵn sàng nhận những góp ý chuyên môn từ cộng sự một cách rất cầu thị… Và bởi thế, hẳn ông Cảnh cũng cảm thấy nhột nhột trước những lời ca tụng về mình, như một cách phủ nhận vai trò của Văn Sỹ.
Đúng là bộ đôi Văn Sỹ-Đức Cảnh cũng có khi ly tán. Sỹ mất việc và phải phiêu bạt, Cảnh ở lại mà thấy xót xa cho đàn em. Họ đã đồng cam cộng khổ với nhau suốt thời gian dài như thế. Và người ta tin rằng, Đức Cảnh không thuộc tuýp người thay đổi “y phục” theo từng “chế độ”, gió chiều nào thuận chiều ấy.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất