10 lưu ý rất cần biết cho chuyến du lịch nước ngoài thành công

20/06/2018 11:19 GMT+7 | Tư vấn du lịch

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Đi du lịch nước ngoài là ước mơ của nhiều người. Để thực hiện chuyến đi thành công, có những trải nghiệm thú vị và giảm thiểu nguy cơ gặp phiền toái, chúng ta cần lưu ý tìm hiểu và chuẩn bị những gì?

1.Làm hộ chiếu

Đi bất kỳ nước nào bạn cũng cần có hộ chiếu nên việc đầu tiên cần làm với những người muốn đi nước ngoài là phải làm hộ chiếu. Với những người đã có hộ chiếu thì cần đảm bảo là hộ chiếu còn hạn sử dụng ít nhất 6 tháng

2.Xin visa & các nước miễn visa cho người Việt Nam

2.1: Hiện có một số quốc gia miễn visa cho người Việt Nam bao gồm các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei) và một số nước khác như Panama, Ecuador, Haiti, Kyrgyzstan...Thời hạn lưu trú một lần (chỉ cần hộ chiếu phổ thông) ở những nước này phổ biến từ 14 đến 30 ngày tùy nước. Đài Loan (Trung Quốc) miễn visa cho người Việt Nam nếu bạn có visa du lịch còn hiệu lực vào Mỹ, Anh, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Australia hay visa Schengen (26 nước Châu Âu). Costa Rica và CH Dominica cũng miễn visa cho người Việt Nam nếu bạn có visa du lịch vào Mỹ, Canada, Anh còn hiệu lực.

2.2. Một số nước cấp visa khi đến (cấp tại sân bay hoặc cửa khẩu mà không cần xin trước từ Việt Nam) hoặc có thể xin visa dễ dàng: Ấn Độ, Nepal, Maldives, Srilanka, Iran, Mali, Kenya, Papua New Guinea, Madagascar, Tanzania, Togo, Tajikistan, Burundi, Mauritius, Zambia, Đông Timor, UAE và môt số nước khác .

2.3. Một số nước cấp visa miễn phí cho người Việt Nam: Romania, Cuba, Mông Cổ, Nicaragua, Afghanistan, Algeria

*Với các nước cấp visa khi đến hoặc miễn phí cấp visa cho người Việt Nam: Thông thường bạn cần xuất trình vé máy bay khứ hồi và xác nhận đặt phòng khách sạn.

2.4.Ngoại trừ những nước trên, bạn cần xin visa đi các nước khác trong đó lưu ý hai điều nếu đi Châu Âu: Có 4 nước Châu Âu không yêu cầu phải có thư mời hay người bảo lãnh nên việc xin visa vào 4 nước này dễ dàng hơn (các nước Châu Âu khác) là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và  Italy.

Nếu xin visa Schengen thì có thể xin visa một trong các nước này với điều kiện xin visa nước nào trong số này thì phải ở nước đó lâu nhất hoặc đến nước đó đầu tiên trong hành trình chuyến đi. Các nước thuộc khối Schengen hiện tại gồm Áo, Bỉ, Cộng Hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ

2.5.Hồ sơ xin visa

+Photo công chứng và dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng của nước bạn dự định đến các giấy tờ cần thiết để trình lên đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nước đó.

+Các giấy tờ cơ bản gồm: vé máy bay khứ hồi, bằng tốt nghiệp, bằng lái xe quốc tế (nếu lái xe ở Châu Âu), sổ đỏ, sổ tiết kiệm, hợp đồng lao động, bảng lương, đơn xin nghỉ phép, hộ khẩu, thư mời (nếu có), giấy đăng ký kinh doanh, sao kê tài khoản 3 tháng gần nhất có xác nhận của ngân hàng, booking khách sạn, lịch trình chuyến đi, hộ chiếu và 2 ảnh hộ chiếu nền trắng cỡ 3,5X4,5. Tùy thuộc bạn là người chưa đi làm hay đã đi làm, làm nhà nước hay tư nhân mà thành phần các loại giờ tờ cần thiết để trình lên sứ quán có thay đổi.

3.Book vé máy bay, đặt phòng khách sạn...trước chuyến đi từ 3 tháng-1 năm: Đơn giản là thông thường thì book càng sớm thì càng rẻ (chú ý các chương trình khuyến mãi của Air Asia, tham khảo review của Agoda, Tripadvisor, Booking.com, Hostelworld.com...)

4.Tìm hiểu trước các điểm thăm quan, khám phá trong hành trình và lên lịch trình cho chuyến đi cũng như lựa chọn thời gian đi du lịch phù hợp. Đơn giản là không chuẩn bị thì sẽ không sẵn sàng, dễ bỏ sót những điểm khám phá hấp dẫn hoặc không có được sự phân bổ thời gian hợp lý.

 5.Tìm hiểu trước các phương tiện di chuyển phổ thông (taxi, xe bus, tàu lửa, metro, tàu thủy...) từ thời gian, giá cả...ở các nước mình đặt chân đến để có lựa chọn sử dụng cho phù hợp và chủ động.

6.Tìm hiểu trước phong tục, tập quán, các món ăn truyền thống, tình hình chính trị, an ninh, thời tiết, dịch bệnh... của nước bản địa để tránh những cú sốc văn hóa, để dễ hòa nhập, đảm bảo an toàn cho bản thân và hành xử cho phù hợp.

7.Dùng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ & Dự trù kinh phí cho chuyến đi

Đây là điều bắt buộc để bạn còn chuẩn bị và chủ động trong việc tính toán chi tiêu trong toàn bộ hành trình sao cho hợp lý. Ra nước ngoài, nhất là các nước phát triển, thì việc dùng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ quốc tế là hợp lý và an toàn. Bạn cần tìm hiểu trước khi đi để mở thẻ ở ngân hàng uy tín (có thể mở ở ANZ hoặc HSBC)

8.Photo, in sao toàn bộ giấy tờ cho chuyến đi thành nhiều bản, lưu trữ trong ổ cứng máy tính, trong mail...đề phòng trường hợp thất lạc hoặc mất cắp giấy tờ thì có giấy tờ dự phòng để xuất trình, đối chiếu.

9.Cố gắng học những câu, từ giao tiếp cơ bản nhất trong ngôn ngữ bản địa để giúp mình thuận tiện hơn khi tiếp xúc với người dân địa phương cũng như trong các hoạt động liên quan khác.

10.Sử dụng Google Map thành thạo, đổi tiền, mua và sử dụng sim điện thoại của nước bản địa

Ra nước ngoài bạn thường cần dùng google map để tìm đường nên cần đảm bảo là bạn dùng google map thành thạo. Trước khi đi, ngoài việc mang theo thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ quốc tế, bạn nên đổi một ít tiền Việt sang USD/Euro (nếu đi Schengen) để tiện chi tiêu vì đó là những ngoại tệ thông dụng trong giao dịch quốc tế. Ngoài ra, bạn nên chọn mua và sử dụng sim điện thoại của nước bản địa (có thể mua ở sân bay) thay vì dùng chế độ chuyển vùng quốc tế (roaming) cũng như tận dụng tối đa wifi, mail, Facebook...để tiện liên lạc với bạn bè, người thân...ở Việt Nam cũng như tại nước ngoài mà không tốn kém nhiều.

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm