21/01/2015 07:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện các thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ chụp ảnh chung chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, một bức ảnh “tự sướng” (selfie) vừa xuất hiện gần đây, trong đó Hoa hậu Lebanon tạo dáng mỉm cười bên Hoa hậu Israel, đã gây tranh cãi kịch liệt trong dư luận Lebanon.
Hoa hậu Israel Doron Matalon chính là người chụp bức hình rồi chia sẻ lên tài khoản Instagram của cô.
Quan điểm trái ngược từ 2 người đẹp
Cư dân mạng nhanh chóng nhận ra rằng trong bức ảnh, Hoa hậu Lebanon Saly Greige đang đứng cạnh Matalon. Việc này dẫn đến phản ứng tức giận của nhiều người dân Lebanon, quốc gia có thái độ thù địch với Israel. Họ thậm chí còn đề nghị tước vương miện cô vì tội "kết giao với kẻ thù".
Greige sau đó đã có lời giải thích bị xem là “đáng thất vọng” về bức ảnh trên Facebook: "Kể từ ngày đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, tôi đã luôn thận trọng, tránh ở trong các tình huống giao tiếp với Hoa hậu Israel (người từng nhiều lần cố gắng chụp hình cùng tôi)... Tôi đang chụp ảnh chung với Hoa hậu Nhật Bản và Hoa hậu Slovenia thì Hoa hậu Israel nhảy vào, tự chụp bức ảnh của cô ấy rồi đưa lên mạng xã hội... Đó là những gì đã xảy ra”.
Về phần mình, Matalon nói rằng cô rất “buồn” khi bức ảnh selfie gây tranh cãi. “Thật tệ là bạn không thể loại bỏ sự thù địch ra khỏi cuộc thi này” - cô tâm sự - “Tôi đã hy vọng về sự thay đổi, hy vọng có sự hòa bình giữa chúng tôi, dù chỉ kéo dài 3 tuần. Chúng tôi cần nhớ rằng mình đại diện cho đất nước và người dân của mỗi quốc gia, không phải các chính quyền và những vấn đề chính trị có liên quan”.
Phản ứng khác biệt giữa 2 đất nước
Dù nhiều người Lebanon cảm thấy phẫn nộ về bức ảnh, vẫn tồn tại một luồng ý kiến khác, cho rằng phản ứng tức giận đang đi ngược lại lý tưởng của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ là để thúc đẩy "hòa bình thế giới”.
Họ cũng cho rằng việc Greige đặt ra giả thuyết cô đã bị Matalon "gài bẫy" để chụp ảnh chung là phản ứng "thô lỗ" và "không cần thiết" dù cô có thể đã đúng. Họ cũng nói rằng việc 2 thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ tới từ 2 quốc gia đang xung đột với nhau chụp chung một bức ảnh chẳng phải là điều đáng bị phê phán mạnh đến thế.
Nhưng theo giới quan sát, chuyện thực ra không hề đơn giản và buồn cười như người ta vẫn tưởng. Richard Spencer, phóng viên của tờ Telegraph tại Trung Đông giải thích: "Dù phản ứng của Lebanon có vẻ khá trẻ con, vấn đề thực sự không xuất phát từ việc cô ấy (Greige) đã chụp ảnh với người Israel nào đó. Cô ấy đã có mặt trong bức ảnh cùng người đại diện cho Nhà nước Israel”. Ông cũng tin rằng bởi 2 hoa hậu giống như các đại sứ chính thức và việc bức ảnh selfie khiến nhiều người giận dữ, nó đã vô tình cho thấy một bức tranh lớn hơn về quan hệ giữa Israel và Lebanon.
Ngay cả việc Hoa hậu Lebanon và Israel nhận lấy phản ứng nào từ bức ảnh cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa 2 quốc gia. Việc Greige góp mặt trong bức ảnh, dù vô tình hay cố ý, có khả năng sẽ khiến cô phải trả giá đắt: bị tước vương miện. Trên thực tế, án phạt tương tự đã từng xảy ra hồi năm 1993 khi Hoa hậu Lebanon Huda al-Turk chụp hình chung với đương kim Hoa hậu Israel lúc đó. Trong khi đó, Hoa hậu Israel lại không gặp phải bất kỳ chỉ trích nào từ người dân nước này.
Phóng viên đối ngoại David Blair của Telegraph giải thích nguyên nhân do người Israel thấy bức ảnh chẳng có gì gây tranh cãi. "Ở Israel, mọi người có thể nghĩ theo hướng Matalon đã làm rất tốt. Bức ảnh và tranh cãi quanh nó ủng hộ quan điểm của Israel rằng nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột ở Trung Đông là do thế giới Arab không chấp nhận nước này”. Nhưng đối với người Lebanon, bức ảnh là bằng chứng cho thấy Israel chẳng quan tâm đến nhu cầu của họ và những người Arab nói chung.
George Asseily, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Lebanon, cho biết gốc rễ của tranh cãi là do Israel và Lebanon không có quan hệ ngoại giao. 2 nước vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, kể từ sau cuộc xung đột hồi năm 2006, tại đó Lebanon bị Israel chiếm mất một phần đất ở miền Nam. “Rõ ràng là Hoa hậu Lebanon không nên đứng bên cạnh Hoa hậu Israel và chụp ảnh” - ông nói.
Thước đo sự cởi mở của Lebanon
Một số nhà quan sát cho rằng Israel có thể nhân sự kiện này để nói rằng Lebanon không phải là đất nước tự do, cởi mở như họ muốn thế giới công nhận. Đã có ý kiến chất vấn sự tự do của Lebanon, sau khi ngôi sao phim khiêu dâm Mia Khalifa, 25 tuổi, bị những người theo đạo Hồi ở nước này dọa chặt đầu.
Ở trường hợp của Greige, hầu hết các chỉ trích mới chỉ dừng lại trên thế giới mạng, có thể do Greige đã khéo léo xoa dịu những người phê bình cô. Trong khi đó, Khalifa từng phản ứng thẳng thừng: "Cả Trung Đông không còn điều gì đáng quan tâm hơn là tôi à?”.
Spencer nhấn mạnh rằng dù có tranh cãi quanh bức ảnh selfie, Lebanon vẫn là một trong những quốc gia Arab tự do nhất. Quả thực, những gì Greige nhận được không chỉ có sự tức giận và thù hận. Nhiều cư dân mạng đã viết các thông điệp ủng hộ gửi tới trang Facebook của cô.
Trên hết, Lebanon chưa đưa ra đề nghị chính thức rằng Greige nên từ bỏ danh hiệu hoa hậu, như Huda al-Turk buộc phải làm trước đây. Nếu Greige được phép tiếp tục cuộc thi và góp mặt trong vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra trong Chủ nhật tới, đây có thể xem là bằng chứng cho thấy người Lebanon đã thực sự tiến rất xa trên khía cạnh cởi mở và tự do.
Vân Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất