Giảm thuế là giải pháp trọng tâm kích cầu đầu tư và tiêu dùng

30/12/2008 15:41 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện NCKH và Thị trường giá cả, 2009 là một năm đầy thử thách đối với kinh tế - tài chính Việt Nam. Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tăng trưởng cao khi các nguồn vốn trong và ngoài nước không dồi dào và chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới.
 
Đó là ý kiến được nêu ra trong Hội thảo "Toàn cảnh thị trường giá cả và các giải pháp kiềm chế lạm phát năm 2008 - dự báo năm 2009" do Viện Nghiên cứu Khoa học (NCKH) và Thị trường giá cả (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 30/12 tại Hà Nội.
 
TS Vũ Đình Ánh phát biểu tại cuộc hội thảo

Theo ông Ánh trong năm tới, sức mua của người tiêu dùng khó tăng, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng sẽ không thể tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Nhà nước định hình lại mô hình kinh tế, tái cơ cấu lại lao động, cơ cấu lại thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN), xuất nhập khẩu, điều chỉnh chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam hướng vào phát triển thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới; đồng thời phát huy được các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt là những lợi thế về nguồn nhân lực Việt Nam.

Tiến sỹ Ánh cho biết thêm: Một trong những giải pháp để ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2009 là chú trọng nới lỏng gánh nặng cho doanh nghiệp bằng cánh giảm thuế, kể cả thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Giảm thuế là giải pháp trọng tâm để kích cầu đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng thông qua giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá tương xứng đảm bảo tăng tiêu dùng thực tế của người dân.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát dưới 15% mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận là không dễ nhưng vẫn có thể thực hiện được, thậm chí lạm phát có nhiều khả năng lùi về một con số do cầu có khả năng thanh toán trong nước bị hạn chế và suy thoái kinh tế toàn cầu còn có thể kéo dài.
 
Trước sự bất ổn và khó dự báo của thị trường quốc tế, nguy cơ suy giảm tăng trưởng cần tập trung vào nhóm giải pháp nữa là Linh hoạt chính sách tiền tệ - tín dụng. Theo đó, Nhà nước nên tiếp tục duy trì giải pháp tiền tệ linh hoạt thông qua giảm lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến của giá cả và lạm phát cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh giá cả có xu hướng giảm.
 
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức độ thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng thì vẫn phải duy trì cung cấp tín dụng cho các dự án tốt, có hiệu quả. Nếu như nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát hay suy giảm tăng trưởng thì Nhà nước phải sử dụng cả biện pháp kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng bên cạnh việc xuất khẩu có chọn lọc và chuyển hướng phát triển và thị trường nội địa tương xứng.
 
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cũng đã đề xuất phương hướng điều hành giá năm 2009. Theo đó, cơ chế điều hành cụ thể là tiếp tục áp dụng cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, khuyến khích cạnh tranh về giá hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định; tiếp tục sử dụng biện pháp định giá trực tiếp bằng những hình thức thích hợp đối với một số ít hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước theo danh mục được pháp luật quy định đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ để thực hiện lộ trình giá cả thị trường phù hợp với đất đai, điện, nước sách, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn; cước vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, xe buýt... Giảm và tiến tới xóa bỏ tình trạng "bù chéo" về giá và doanh thu giữa các đối tượng tiêu dùng do được hưởng các mức giá khá nhau của một số giá đang còn thực hiện cơ chế giá bù chéo như: điện, nước sạch cho sinh hoạt... bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 
Gia Hiển

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm