15/02/2011 11:34 GMT+7 | Champions League
(TT&VH) - Alexandre Pato là một tài năng thiên bẩm không cần phải bàn cãi, nhưng cứ mỗi khi tiền đạo 21 tuổi này có mặt trên sân, người hâm mộ Milan lại phải đứng giữa ranh giới đỏ-đen của hy vọng. Ở Pato, luôn tồn tại hai bản thể. Một là “chân sút cự phách”, còn một là “con vịt”.
Nếu bóng đá chỉ là những con số, thì Pato xứng đáng được xem là một thiên tài. Trong 111 trận đã chơi cho Milan kể từ mùa xuân năm 2008 đến nay, anh đã ghi được 52 bàn thắng, tỷ lệ trung bình 0,47 bàn/trận. Trong 91 trận ở Serie A, số bàn thắng của Pato là 45, trung bình xấp xỉ 0,5 bàn/trận. Ở cái tuổi 21 của Pato, không có bất kỳ cầu thủ Milan nào trong lịch sử 111 năm đã qua làm được như “Chú vịt”. Thậm chí, cũng chỉ có 4 danh thủ huyền thoại trong số những chân sút từng ghi nhiều hơn 100 bàn ở Serie A có thành tích tốt hơn Pato ở tuổi ấy, là Felice Borel, Silvio Piola, Giuseppe Meazza và Giampiero Boniperti. Mà việc ghi bàn ở thời của các bậc tiền bối này chắc chắn là dễ dàng hơn nhiều so với bóng đá hiện nay.
Pato vẫn chưa cho thấy được sự ổn định của mình - Ảnh Getty |
Nhưng Pato chỉ có thể trách chính anh mà thôi khi tụt lại trong cuộc chiến giành vị trí ở Milan. Như đi du lịch trên màu áo đỏ sọc đen của Milan, Pato thi đấu trận hay trận dở, mà điều nguy hiểm là không ai biết khi nào anh chơi hay, khi nào anh mờ nhạt. Nếu đạt được cảm hứng tốt nhất, Pato đơn giản là không thể ngăn chặn nổi, nhưng ngược lại, có lúc anh là một cầu thủ vô hại. Phong độ của Pato mùa này, dù về tổng thể là xuất sắc, luôn lập lòe cứ như đom đóm, mà thường là khi nào Milan cần anh nhất, thì anh lại chơi thất vọng tột cùng, như trong các trận gặp Real Madrid ở Champions League hay gặp Juventus ở Serie A.
Tháng trước, trong trận Milan hòa thất vọng với Lecce, Pato thậm chí còn to tiếng với Ibrahimovic, khiến một loạt cầu thủ đàn anh phải nhắc nhở “cậu ấy cần trưởng thành hơn”. Tuần trước, trong một bài trả lời phỏng vấn khi tập trung cùng đội tuyển Brazil, anh lại bóng gió đòi hỏi được chơi ở vị trí tiền đạo cắm ở Milan, cho dù đã từng thổ lộ rằng anh không hợp với vai trò “nằm vùng” trước cầu môn đối phương trong một vài phát ngôn trước đây. Bất chấp Ibra vừa chuyền bóng cho Pato ghi bàn ở trận hòa Genoa 1-1 hôm 6/2, người ta vẫn đang nhìn thấy sự bất hòa hợp giữa họ.
Màn trình diễn đỉnh cao của Milan trước Parma cuối tuần qua ngừng mê hoặc kể từ khi Pato vào thay Ibrahimovic ở phút 68. Ngôi sao người Brazil, đá tiền đạo cắm, đã thể hiện sự lạc lõng đáng sợ trong bản hòa tấu của Milan, không có lấy một tình huống xử lý tốt và hoàn toàn không kết nối được với các đồng đội trong hơn 20 phút thi đấu. Trận đó, HLV Allegri không để Pato đá chính nhằm có ý giữ chân anh cho cuộc chiến với Tottenham, nhưng cái cách mà “Chú vịt” đáp trả lại những hy vọng của ông thầy là hết sức đáng ngại. Milan không cần một người chỉ biết ghi bàn, mà họ cần một ngôi sao biết tỏa sáng đúng lúc và chơi ổn định.
Hôm nay, Milan sẽ không thể có Cassano, và hy vọng được đặt lên vai Pato. Tốc độ, kỹ thuật và khả năng dứt điểm một chạm cực tốt của anh là những thứ vũ khí rất phù hợp để chiến thắng cách phòng ngự kiểu Anh của Tottenham. Nhưng…
Hàng công: Spurs mạnh nhất, Milan kém nhất Tottenham tiến vào vòng 1/8 với hàng công ghi đến 18 bàn ở vòng bảng, với 8 bàn trong số đó được ghi trên sân khách. Họ cùng với Arsenal là hai đội bóng sở hữu hàng công ghi bàn nhiều nhất trong số 16 đội lọt vào vòng 1/8. Ngược lại, Milan chỉ ghi được 7 bàn ở vòng bảng. Thành tích ấy kém bằng M.U, Copenhagen và thua các đội còn lại. Ngoài ra, hiệu số bàn thắng - bại của Milan ở vòng bảng là 0. Ghi 7 bàn nhưng thủng lưới 7 lần. Thành tích sân nhà của Milan chẳng khác gì so với sân khách, cùng thắng 1, hòa 1 và thua 1/3 trận vòng bảng. Trong 16 đội lọt vào vòng 1/8, Milan kiếm được ít điểm nhất từ vòng bảng, với vỏn vẹn 8 điểm. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất