Marseille đăng quang: Chuyện xưa, chuyện nay của một "thủ lĩnh"

07/05/2010 19:25 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH cuối tuần) -Người thủ lĩnh trên sân cỏ của 18 năm trước đã trở lại để dẫn đầu đạo quân chinh phạt giấc mơ tồn tại trong từng nhịp co bóp của những trái tim thành phố cảng gần 2 thập niên qua. Với chức VĐ Ligue 1 ngay trong mùa đầu tiên dẫn dắt Marseille, Didier Deschamps đã trở thành một biểu tượng chiến thắng của đội bóng này, trong vai trò cầu thủ lẫn HLV.

 Nụ cười chiến thắng của Deschamps, ảnh Getty
Ông đã là một tên tuổi nổi tiếng của bóng đá thế giới trong cuộc đời cầu thủ đầy rẫy những vinh quang. Giành được hàng loạt danh hiệu cao quý từ cấp độ đội tuyển (Pháp) đến CLB (Marseille, Juventus, Chelsea), mỗi bước dừng chân của Deschamps là thành công theo gót.

Từ Louis II đến Olimpico, Deschamps đã nhanh chóng chứng tỏ được tài năng của mình trên băng ghế chỉ đạo. Với Monaco là mốc son đáng nhớ nhất trong lịch sử CLB: vào tới tận chung kết Champions League 2003-2004 (thua Porto của Jose Mourinho 0-3). Ở Juventus là kỳ tích đưa “Lão phu nhân” trở lại Serie A trước 3 vòng đấu dù phải khởi đầu mùa giải với số điểm -17. Rồi Deschamps đã lựa chọn trở về dẫn dắt Marseille - đội bóng mà mình từng khoác áo, cũng là bệ phóng đưa ông tới những đỉnh cao vinh quang.

Trở về sân Velodrome với hồi ức ngọt ngào của 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp năm 1992, 1993 (danh hiệu năm 1993 bị tước sau đó vì scandal dàn xếp tỷ số) và đỉnh cao là chiếc Cúp Champions League danh giá mùa bóng 1992-1993 (chiếc Cúp C1/Champions League duy nhất trong lịch sử CLB nói riêng và của cả nước Pháp nói chung), Deschamps hiểu rằng ông đang gánh trên mình một trách nhiệm nặng nề, những hy vọng lớn lao không chỉ của riêng các CĐV thành phố cảng.

Với mục tiêu tạo lập “một đội bóng hiệu quả nhất”, cựu thủ quân đội tuyển Pháp đã tích cực hoạt động trên thị trường chuyển nhượng nhằm đưa về những cầu thủ phù hợp. Hơn một nửa đội hình được “thay máu”, để phục vụ cho một triết lý tấn công không khoan nhượng mà Deschamps hướng đến: Lucho Gonzalez, Souleymane Diawara, Stephane Mbia, Fabrice Abriel, Hatem Ben Arfa, Gabriel Heinze… Những cầu thủ không phù hợp với tư tưởng bóng đá của Deschamps được mạnh dạn đẩy đi, dù đó có là Lorik Cana - thủ quân của Marseille khi ấy (bán sang Sunderland).

Trên hết là một hình ảnh vừa bao dung, vừa cứng rắn trong vai trò người dẫn dắt đội bóng. Giống như thời kỳ đầu sóng gió ở Monaco, Deschamps cũng đã gặp không ít khó khăn trong nhiệm vụ định hướng chiến lược cho đội bóng và quản lý những cái tôi quá lớn tại Velodrome. Đó là khi Deschamps tha thứ cho tiền vệ trẻ Hatem Ben Arfa sau vụ bị anh này dọa... đánh, hay lúc ông phải trấn an và vỗ về Stephane Mbia để đưa anh về chơi trung vệ cạnh Diawara, dù cầu thủ người Cameroon đã từng tỏ ý chống đối ra mặt, với lý do đơn giản rằng anh chỉ cảm thấy thoải mái khi đá tiền vệ trụ.

Nhiều người hơi duy tâm có thể nghĩ rằng định mệnh đã chọn Deschamps cho nhiệm vụ giải đáp một băn khoăn đã đeo đẳng suốt 17 năm ở Velodrome: danh hiệu VĐQG. Sau chiếc Cúp LĐ (đánh bại Bordeaux trong trận chung kết) là danh hiệu VĐ Ligue 1. Thế nhưng chẳng có điều gì thần bí ở đây cả: Thành quả ấy là nỗ lực bền bỉ của quá trình lao động nghiêm túc. Chỉ khác là năm xưa, Deschamps thống lĩnh đội ngũ của ông bằng cách hòa mình vào trận đấu và dẫn dắt tinh thần chiến đấu với ý chí kiên cường trên sân. Bây giờ, ông truyền lại ngọn lửa tinh thần cho đội bóng theo một cách khác, với tư duy của một nhà cầm quân.

Không một cái kết nào có hậu hơn việc đội bóng được một biểu tượng của chính mình dẫn dắt đến vinh quang đầu tiên sau gần 2 thập niên. Thế nhưng Marseille và Deschamps cũng nên nhớ rằng lên đỉnh cao đã khó, giữ mình ở vị trí ấy còn khó hơn gấp nhiều lần. Hãy nhìn tấm gương của Bordeaux.
 
LỊCH THI ĐẤU vòng 37
 
Chủ nhật (9/5), 02h00: Auxerre - Lens, Bordeaux - Sochaux, Grenoble - Boulogne, Le Mans - PSG, Lille - Marseille, Monaco - Nancy, Montpellier - Lorient, Rennes - Nice, St.Etienne - Toulouse, Valenciennes - Lyon.
 
Mạnh Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm