(TT&VH) -
Người Thổ có thể giận, có thể trách Mesut Oezil vì anh đã không nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, trở về khoác áo ĐT Thổ Nhĩ Kỳ như anh em nhà Hamit và Halil Altintop, cũng như tài năng trẻ Nuri Sahin - những người đã sinh ra, lớn lên và được đào tạo bóng đá một cách bài bản trên đất Đức tương tự Oezil. Nhưng với Oezil, việc cống hiến cho ĐT Đức là
sự lựa chọn của cái đầu và cả con tim, như một cách để đền đáp lại những gì mà nước Đức đã mang đến cho anh và những người thân trong gia đình. “Được khoác áo ĐT Đức là một niềm tự hào lớn”, Oezil phát biểu với báo giới trước trận Đức - Thổ Nhĩ Kỳ ở vòng loại EURO 2012 mà anh sẽ là tâm điểm của mọi sự chú ý.
Oezil sẽ chống lại "quê hương" mình - Ảnh Getty |
Oezil sinh ra trong một gia đình có ông bà là những người di cư sang Đức từ miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1950. Anh thuộc thế hệ thứ ba của những người Thổ định cư trên đất Đức. Ngoài khuôn mặt vẫn đậm “chất Thổ”, còn lại Oezil là một người Đức đúng nghĩa, từ suy nghĩ cho đến hành động. Khi đứng trước sự chèo kéo của cả Liên đoàn bóng đá Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, Oezil tỏ ra hết sức thận trọng, không vội vàng đưa ra quyết định mà dành cho mình thời gian để cân nhắc. Anh rất muốn nghe lời cha trở về chơi cho ĐT Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rồi cái đầu và cả con tim anh mách bảo rằng hãy lựa chọn đội bóng với biểu tượng là cánh chim đại bàng đã ba lần vô địch thế giới. Thế là Oezil đi theo tiếng gọi của “Die Mannschaft”, để rồi từ đó anh trở thành một ngôi sao mới của bóng đá thế giới, một “Lionel Messi của người Đức” như cách ví von của giới truyền thông.
Sau màn trình diễn rất ấn tượng ở World Cup 2010, Oezil trở thành “trái tim” của ĐT Đức, bên cạnh “lá phổi” mang tên Bastian Schweinsteiger, làm lu mờ hoàn toàn hình ảnh của Michael Ballack. Khi Schweini vắng mặt vì chấn thương, trách nhiệm sẽ dồn nhiều hơn lên đôi chân và cái đầu của Oezil, vì anh vẫn phải nắm giữ trọng trách điều phối bóng trong các đợt tấn công nhưng lại có nguy cơ không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các tiền vệ phòng ngự. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức bắt chặt Oezil đồng thời phong tỏa mọi nguồn cung cấp bóng cho cầu thủ này, lối chơi của ĐT Đức sẽ gặp bế tắc và khi đó, “Die Mannschaft” chỉ còn hy vọng vào những pha lên bóng từ hai cánh của Thomas Mueller và Lukas Podolski.
Tất nhiên, nói thì dễ nhưng làm được mới khó. Phong tỏa Oezil là bài toán không hề đơn giản, mà bằng chứng là lần lượt người Anh rồi người Argentina đã thất bại thảm hại tại World Cup 2010, chưa kể đến những đối thủ yếu hơn như Australia hay Ghana. Sự linh hoạt của Oezil trong lối chơi khoa học đến mức phức tạp mà HLV Joachim Loew đã sáng tạo ra mang đến cho “Die Mannschaft” nhiều cơ hội tiếp cận khung thành đối phương hơn, từ mọi hướng. Bản thân Oezil khi có điều kiện cũng có thể trực tiếp lập công, chứ không chỉ chăm chăm làm bóng cho đồng đội, như bàn thắng tuyệt đẹp mà anh đã ghi vào lưới Ghana ở vòng bảng World Cup 2010, một cú vuốt bóng đỉnh cao từ bên ngoài vòng cấm.
Một khi đã lựa chọn màu áo ĐT Đức thì Oezil sẽ phụng sự đến cùng. Nước Đức đã mang đến cho Oezil cơ hội trở thành một ngôi sao đẳng cấp thế giới, và anh có trách nhiệm tiếp tục đưa “Die Mannschaft” tiến lên, dù đêm nay anh có phải đâm vào trái tim người Thổ một nhát dao trí mạng...