02/08/2012 10:10 GMT+7 | Bóng đá Olympic
Lương thưởng của các cầu thủ nam của Anh từ nhiều năm qua đều ở mức hàng đầu thế giới dù cuộc khủng hoảng kinh tế có trầm trọng đến mức nào. Theo báo cáo của trang Sportingintelligence, sử dụng kết quả của những điều tra riêng cũng như số liệu của PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp), mùa 2009-2010, mỗi cầu thủ thi đấu tại Premier League được lĩnh 1,16 triệu bảng mỗi mùa. Nếu tính cả thuế, tiền bảo hiểm..., con số chi cho mỗi cầu thủ lên tới 1,76 triệu bảng, gấp khoảng 30 lần thu nhập trung bình của người Anh. Ngay cả các cầu thủ thi đấu tại hạng Tư (League Two) cũng nhận được tới 38.844 bảng mỗi mùa.
Những đồng nghiệp nữ của họ lại không có may mắn như vậy. Tại World Cup bóng đá nữ 2007, dù LĐBĐ Anh (FA) cho biết mức đầu tư cho bóng đá nữ cao nhất từ trước tới nay, các tuyển thủ nữ của Anh chỉ nhận được 40 bảng cho mỗi ngày thi đấu. Khi biết thông tin này, các cổ động viên của Anh đã vô cùng phẫn nộ, cho rằng các tuyển thủ đang bị đối xử như nô lệ bởi theo số liệu của trang Sportingintelligence năm 2007, mỗi ngày người dân Anh trung bình kiếm được hơn 90 bảng. Mức lương tại giải bóng đá nữ ở Anh cũng rất bèo bọt, các tuyển thủ quốc gia cũng chỉ kiếm được 16.000 bảng mỗi mùa, tức chỉ bằng một nửa thu nhập trung bình tại xứ sở sương mù.
Tuy nhiên, những cầu thủ phải lao động cật lực mà vẫn chưa có đủ tiền để trang trải cuộc sống này lại vừa gây nên một chiến tích lớn khi đánh bại Brazil tại thánh địa Wembley. Cần nhớ Brazil là đội bóng mạnh hàng đầu thế giới, đã vào chung kết hai kỳ Thế vận hội gần đây và vẫn sử dụng các cầu thủ xuất sắc nhất như Marta hay Cristiane. Chung cuộc, tuyển Vương quốc Anh đã toàn thắng cả ba trận ở vòng bảng, ghi được 5 bàn và chưa để thủng lưới lần nào. Cách đây ba năm, tuyển nữ của Anh cũng từng lập nên một kỳ tích khác khi lọt vào tới chung kết EURO, chỉ chịu thua Đức đang ở đỉnh cao phong độ với những quái kiệt như Birgit Prinz.
Còn các “cậu ấm” của Anh nhiều năm qua thành tích tốt nhất chỉ là lọt vào bán kết EURO 1996. Tại Thế vận hội lần này, Olympic Vương quốc Anh cũng thi đấu không thuyết phục. Sau khi thắng O.UAE, HLV Stuart Pearce cũng phải thừa nhận đội bóng của mình chưa đủ sức để giành huy chương. Để chấm dứt sự bất công này, hồi đầu năm nay, tạp chí Stylist đã mở một cuộc vận động đấu tranh cho quyền lợi của các nữ cầu thủ. Stephanie Houghton, người ghi bàn ở trận gặp Brazil, cho biết: "Các đồng nghiệp nam có thể khỏe hơn chúng tôi nhưng về mặt chiến thuật, chúng tôi cũng xuất sắc như họ. Tôi muốn một ngày được nghe các trẻ em nói rằng tôi muốn có đôi giày của cô ấy chứ không phải của Cesc Fabregas".
Giấc mơ của Houghton có lẽ phải rất lâu mới có thể thành hiện thực nhưng hiện nay, người Anh cũng đã dần quan tâm hơn tới các nữ cầu thủ. Trong trận đấu với Brazil, đã có tới 70.584 khán giả tới sân Wembley để cổ vũ cho các nữ cầu thủ. Christina Smith, một sinh viên, cho biết: "Tôi thường xem bóng đá nam nhưng với một sự kiện lớn như thế này, bạn phải đến và động viên cho các nữ tuyển thủ". Có thể sau khi Thế vận hội kết thúc, sự quan tâm dành cho bóng đá nữ sẽ suy giảm nhưng nếu các nữ cầu thủ Vương quốc Anh làm nên kỳ tích tại Olympic lần này, biết đâu các CĐV sẽ quay ngoắt sang cổ vũ cho họ để được hưởng nhiều niềm vui hơn, thay vì cứ hy vọng rồi thất vọng với các tuyển thủ nam?
Trần Khánh An
Chiến thắng nhờ Beckham? Trước trận đấu giữa Vương quốc Anh và Brazil, David Beckham đã có gửi thư chúc may mắn tới đội nhà. HLV Hope Powell đã chuyển cho các nữ cầu thủ và họ đã tỏ ra rất sung sướng dù cũng chưa thật sự tin những bức thư này là của Beckham. Sau trận đấu với Brazil, khi Beckham đến tận nơi chúc mừng, các cầu thủ đã gần như phát điên. HLV Powell đã đùa rằng các học trò của mình đã chải tóc tới hàng nghìn lần trước khi gặp anh chàng đẹp trai này. Phải chăng chính bức thư của Beckham đã tiếp thêm động lực cho các nữ tuyển thủ Anh chơi một trận để đời? |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất