25/05/2013 14:49 GMT+7 | Bóng đá Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Trận chung kết nội bộ lần đầu tiên trong lịch sử hẳn là niềm vui cho bóng đá Đức, nhưng sau khi nó kết thúc, Bundesliga sẽ tiếp tục phát triển chiếc Cúp này như thế nào?
1. Tờ Bild đã đưa ra một bản danh sách rất thú vị về những sự trùng hợp giữa năm 1997 và hiện tại: Năm 1997, Bayern cũng là nhà vô địch Bundesliga, và trận đấu trước chung kết Champions League của họ ở vòng 34 cách đây 16 năm cũng là gặp Gladbach. Dortmund thì trước khi dự trận chung kết cũng thua trận cuối tại Bundesliga, với cùng tỉ số 1-2. Vua phá lưới của giải là một cầu thủ Leverkusen (Kirsten 1997 và Kiessling 2013), và người đoạt danh hiệu “Cầu thủ của năm” đều chơi cho Dortmund (Sammer 1997 và Reus 2013).
M.U năm ấy cũng là nhà vô địch Premier League, còn HLV Alex Ferguson cũng được bầu là nhà cầm quân hay nhất mùa. Tại Ý, Juventus là nhà vô địch, Porto đăng quang ở BĐN, và Galatasaray là Vua ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Lịch sử nhắc lại hầu hết các sự kiện quan trọng, với đa phần là những sự trùng hợp không nằm trong ý chí của con người. Nhưng cũng có những sự lặp lại, đúng hơn là duy trì, mà con người có thể tạo ra: Sự thống trị của các đội bóng. Bayern, M.U, Juventus, Porto và Galatasaray đều là những đế chế bóng đá ở đất nước họ. Họ không chỉ giành danh hiệu, mà còn đứng trên một nền tảng cực kỳ vững vàng để gần 2 thập kỷ sau, vẫn là nhà vô địch.
2. Năm ấy, Dortmund giành Champions League đầu tiên (và cũng là duy nhất tính đến lúc này) của họ. Nhưng sau trận chung kết là gì? Từ mùa 1998-1999, Dortmund không bén mảng nổi đến loạt knock-out Champions League. Năm 2011, họ mới trở lại đấu trường này sau 7 năm vắng bóng.
Giai đoạn ấy là một quá trình tụt dốc không phanh: Đội bóng bán đi các ngôi sao, rơi vào nợ nần, và suýt phá sản năm 2005. Đội bóng ấy gồng mình nâng cao một chức vô địch, rồi hụt hơi và rơi vào bóng tối nhiều năm.
Tương lai của họ vẫn đầy bất trắc. Dortmund bây giờ không còn là đội bóng khó khăn như cách đây hần một thập kỷ, nhưng mới chỉ “đủ sống”. Mùa này chưa xong đã phải lo mùa tiếp theo. Ngôi sao mới tỏa sáng chưa được bao lâu, thì đã theo đội mạnh hơn (Goetze sang Bayern). Chiếc Cúp Champions League, trong bối cảnh ấy, có thể là sự khích lệ, nhưng chưa hẳn là một đảm bảo về tương lai.
3. Trận chung kết toàn Đức càng làm chúng ta tin rằng bóng đá Đức là lý tưởng nhất châu Âu vào thời điểm này. Một giải đấu nhiều khán giả, với lối chơi hấp dẫn, hệ thống đào tạo tốt, và những đảm bảo cho tương lai, với mô hình tổ chức biến đội bóng thành tài sản của cộng đồng.
Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ở Bundesliga hiện tại, có lẽ chỉ Bayern là được phép nói về tương lai. Mùa bóng vừa qua, họ vô địch với khoảng cách 25 điểm so với á quân Dortmund và 36 điểm với đội thứ tư Schalke! CLB Vàng đen đã đưa bóng đá Đức về với thế lưỡng cực trong 2 mùa giải trước, nay cũng bắt đầu chùn chân mỏi gối. Họ đã mất ngôi sao triển vọng nhất cho đối thủ, và ngay cả khi vô địch mùa này, thì tương lai bấp bênh vẫn đang chờ phía trước.
Mỗi đội bóng Đức lúc này có thể là một cá thể mạnh khỏe, với nền tảng tài chính căn cơ, ổn định, nhưng cạnh tranh với Bayern dường như là một nhiệm vụ tuyệt vọng. Cơ chế “50+1”, quy định rằng một cá nhân không thể nắm hơn 49% cổ phần của một CLB, đã tạo ra nền tảng ấy, nhưng nó cũng biến sự cạnh tranh thành điều xa xỉ: Với cùng một phương pháp tổ chức, thì kẻ đi tiên phong và đã gặt hái được thành tựu luôn không có đối thủ trong tương lai. Bundesliga không thể có một Chelsea, hay Man City, vì “50+1” ngăn chặn tư nhân hóa các CLB, và vì thế, nó không thể tạo ra các đối trọng với những thế lực truyền thống.
Chung kết toàn Đức có thể khoét sâu thêm chiếc hố đẳng cấp ấy. Bóng đá Đức thực sự đang là hình mẫu của châu Âu, nhưng sau trận đấu tại Wembley đêm nay, để nói về tương lai, Bundesliga có lẽ vẫn phải nhìn vào Bayern.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất