1h30 ngày 13/6, Anh-Mỹ: Mở màn và... kết thúc

12/06/2010 06:50 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH cuối tuần) - Với Mỹ, đây đang được coi là 90 phút quan trọng nhất từ trước đến nay. Còn Anh, đây đáng được coi là bài test sớm cho vai  trò một ứng cử viên sáng giá. Trong bảng C, cuộc đụng độ trong ngày thi đấu thứ 2 của World Cup 2010 này vừa là mở màn mà cũng có thể vừa là kết thúc cho cục diện chung.

Chiến thắng đồng nghĩa với đầu bảng

Đương nhiên người Mỹ mơ rằng lịch sử  60 năm trước lặp lại. Một chiến thắng sẽ  không chỉ mở rộng đường tiến xa cho họ ở Nam Phi mà còn đầy ý nghĩa đối với những nỗ lực xây dựng môn thể thao này ở quê  nhà. Mỹ đang vận động xin đăng cai World Cup 2018 hoặc 2022, đồng thời tự hiểu rằng một màn trình diễn với các ngôi sao như Anh sẽ là cơ hội tốt để cải thiện hình ảnh bóng đá tại đất nước vẫn đang đam mê các thứ bóng khác hơn. Đến ngay cả chủ tịch  Liên đoàn Bóng đá Mỹ là Sunil Gulati cũng hào hứng gọi trận đấu với Anh là “một mốc lịch sử”. 


ĐT Anh đang rất cần những cảm xúc mạnh mẽ trong lối chơi của  Rooney, Ảnh  Getty
Đây không phải là một màn sinh tử chiến. Cơ hội vượt qua vòng bảng vẫn rất sáng cho kẻ thất bại. Nhưng trong khi Mỹ đặt nặng ý nghĩa biểu tượng thì Anh cũng coi đây là  nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành. Chiến thắng đồng nghĩa với đầu bảng mà đầu bảng sẽ nhiều cơ hội tránh được Đức ở vòng sau. Song, quan trọng hơn cả là cú xuất phát cần thể hiện được kỳ vọng. Không phải để “chiều” các fan ruột mà để hướng tới giấc mơ một cách tự tin hơn, vững vàng hơn. 

Đốt lên ngọn lửa

Khi Fabio Capello giận dữ với các học trò ở giữa trận giao hữu từ thiện cùng CLB địa phương Platinum Stars đầu tuần này, cộng thêm màn cáu kỉnh của ông với cánh phóng viên, có người cho rằng một HLV lão luyện  như vậy cũng không còn giữ được bình tĩnh  trước sức ép khủng khiếp của World Cup.

Thực tế, đó là sự nóng nảy cần thiết. Capello thuộc mẫu HLV khoa học, nhưng đằng sau cái đầu lạnh đầy ắp những tính toán ấy là một tinh thần hừng hực mà ông luôn muốn truyền được tới các cầu thủ: Tinh thần chiến thắng. World Cup không phải là một đường đua dài dằng dặc như kiểu giải  VĐQG. Chỉ có 1 tháng và tối đa 7 chặng trên hành trình đến đỉnh vinh quang. Bất cứ lúc nào, phong độ cũng phải như thanh kiếm rút sẵn khỏi vỏ bởi chỉ cần một thoáng lơ là hay chùng xuống, cái giá phải trả sẽ là 4 năm nữa mỏi mòn mơ. 

Không ít lo ngại đang được đề cập khi một lần nữa, Wayne Rooney lại thể hiện tính  khí nóng nảy, không kiềm chế của mình. Các  fan xứ sương mù lo ngay ngáy rằng niềm hy vọng lớn nhất này có thể phải ngồi ngoài ở những trận quan trọng vì một pha vào bóng  quá ham hay một… câu chửi trọng tài! Thế  nhưng những cảm xúc mạnh mẽ trong lối chơi của Rooney lại chính là điều mà ĐT Anh đang rất cần. Các thất bại của họ ở World  Cup 2002, EURO 2004 hay World Cup 2006 mang nặng hình ảnh “nhút nhát”, quá thận  trọng. 

Một ngọn lửa đang cần được đốt lên ở  Rustenburg ngày thứ Bảy. Đốt lên để sớm kết thúc câu chuyện ở bảng C và mở màn cho cuộc chinh phục xa hơn...

Tốc chiến tốc thắng?

Và không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chơi tưng bừng ngay từ đầu đang là chiến thuật thích hợp nhất cho Anh trước Mỹ. Đó là lời khuyên mà David Beckham đang dành cho các đồng đội sau khi “ngắm nghía” kỹ lưỡng trận giao hữu Mỹ- Australia vừa qua. Theo Beckham, dù ghi bàn sớm song Mỹ vẫn tỏ ra mang điểm yếu cố hữu là dễ bị “sốc” ở giai đoạn đầu trận. Nhìn lại World Cup 2006, thực tế này thể hiện khá rõ. Mỹ luôn nhập cuộc chậm chạp ở cả 3 trận vòng bảng và đều rơi vào tình thế bị dẫn trước chỉ trong vòng 22 phút sau tiếng còi khai cuộc. Với hàng phòng ngự đang gặp nhiều vấn đề, rất có khả năng Mỹ sẽ lại bị Anh chơi đòn phủ đầu ngay trong hiệp 1.


Trung Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm